Bác Võ Quang Ghi bên mộ người thân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
1. Ông đứng lặng nhìn về phía dãy mộ bên phải đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), mắt dõi theo nén nhang trên ngôi mộ ghi tên liệt sĩ Phạm Văn Chua. Ông là Võ Quang Ghi, 72 tuổi, Thầy thuốc nhân dân, quê Quảng Bình, ngụ quận Tân Phú, TPHCM; từng chiến đấu ở Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Ông kể: “Người nằm đó là con cô ruột của tôi, ảnh năm xưa lái xe đường Trường Sơn, hy sinh trong một lần bị địch dội bom. Nhà cô tôi có mình ảnh, con một đó…”. Câu chuyện cùng chúng tôi ngưng lại đôi chút, giọt nước mắt ngấn trong đôi mắt ông khi hoài niệm về năm tháng đã qua. Nghĩa trang này có cả người thân lẫn đồng đội của ông nằm lại...
Nói về năm tháng gian lao ấy, ông nhận mình bị “lọt sổ”. “Nói sao cho hết được, hy sinh nhiều lắm. Bác ngày xưa chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, nhưng mà “lọt sổ”, nên còn được trở về, mấy ông bạn ngày xưa cùng đơn vị với bác nằm lại Thành cổ nhiều lắm”, ông kể tiếp. Trận chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm ấy, trong ông là một phần ký ức của năm tháng tuổi trẻ, khi ông là sinh viên năm 2 Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ông nhớ lại: “Ngày đó cả nước ra trận, mình có gì đâu mà khắc khoải, sẵn sàng lên đường thôi chứ còn nghĩ ngợi gì nữa. Ai cũng tinh thần tình nguyện lên đường, vững một niềm tin vào ngày thống nhất”.
Trí nhớ dẫu có giới hạn, nhưng lịch sử thì không bỏ sót bất kỳ ai, bởi “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật” (thơ Phạm Đình Lân) ở Thành cổ Quảng Trị, mùa hè 1972. Và những người may mắn trở về như ông Ghi cũng mãi không quên một thời tuổi trẻ và đồng đội năm nào. “Năm nào cũng 2 lần, một lần vào 30-4 hoặc 22-12, một lần nhất định 27-7 phải ghé Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị, đồng đội của bác nằm lại ở đó nhiều lắm. Bây giờ, đi lại thuận tiện, về thắp nhang cho mấy ổng, nhớ ngày xưa để trân trọng thêm ngày hôm nay”, ông Võ Quang Ghi nói.
2. Trong dòng người viếng Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 (quốc lộ 9, tỉnh Quảng Trị), tôi nhận ra ông là cựu chiến binh trong bộ quân phục màu xanh cùng nón tai bèo, và chỉ vỏn vẹn thế, không bảng tên hay huân, huy chương cài trên áo. Ông Phan Hồng Thám (Trung đoàn 64 - 320B, quê Quảng Trị) xúc động: “Bộ quân phục màu xanh này là đủ rồi, chiến công là của chung tất cả. Mặt trận Đường 9 năm ấy khốc liệt lắm và Thành cổ Quảng Trị cũng vậy, đồng đội của bác nhiều người nằm xuống nhưng không tìm thấy để lập mộ được. Mình còn trở về sau hòa bình là một điều quá hạnh phúc. Hãy nhớ và tri ân những người đã ngã xuống”.
Hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, ác liệt của bom đạn, bao lớp người ngã xuống, chỉ còn tìm thấy tên các anh, các chị, các chú, các bác… hòa vào tên đất nước. Kính cẩn đặt vòng hoa viếng và thắp nhang trước những ngôi mộ tập thể trong Nghĩa trang Đường 9, anh Hoàng Thanh Bình (ngụ TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: “Tôi có người thân nằm lại ở Nghĩa trang Trường Sơn và may mắn tìm được họ tên, địa chỉ quê nhà cụ thể qua các kỷ vật. Năm nào, tháng 7 tôi cũng đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, sự hy sinh nào cũng đáng để mình cúi đầu nhưng trước những ngôi mộ tập thể, tôi thật sự rất xúc động, một thế hệ quá đỗi anh hùng”.
3. Tháng bảy, ngang qua cung đường một thời “xẻ dọc Trường Sơn” mới thấu hết lịch sử thời hoa lửa của ngày hôm qua. Những địa danh dần hiển hiện trên hành trình về Trường Sơn. Tri ân những người còn sống, tri ân những mảnh đất, nơi mà quân và dân ta kiên cường bám trụ đánh giặc, nhiều năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều hình thức đã đến với dải Trường Sơn này.
Sự đổi thay đó có thể thấy được. Những đền đài tưởng niệm trên các trọng điểm; những trạm y tế, trường học, những ngôi nhà tình nghĩa có ở các bản xa… Và làng Ho (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là một địa điểm quen thuộc với Báo Sài Gòn Giải Phóng khi hơn 10 năm trước, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do báo phát động và thực hiện đã đem đến nhiều công trình dân sinh, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Chúng tôi trở lại bản Trung Đoàn, làng Ho, nơi có mấy chục căn nhà gỗ mới được cất cách đây vài năm, gắn bảng “Nhà tình nghĩa” thuộc chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, cuộc sống của bà con vẫn êm đềm như dòng suối gần đó. Những đứa trẻ đen nhẻm, phần lớn đã được đến trường, hồn nhiên vui cười khi có khách đến chơi, tặng quà bánh. Cuộc sống nơi đây vẫn thế, đã có điện - đường - trường - trạm nhưng đủ đầy thì chưa. Những thiếu thốn nhất định của cuộc sống gần 50 năm sau hòa bình ở nơi đây giống như ở nhiều địa chỉ đỏ khác trên dải đất hình chữ S.
Ngay ở Trạm Quân dân y làng Ho, sau nhiều năm khánh thành, nay có dấu hiệu xuống cấp, thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men. Anh bộ đội biên phòng phụ trách trạm nói về những thứ mà trạm quân dân y còn thiếu để chăm sóc sức khỏe đồng bào, nghe ngập ngừng và có cả những lo lắng…
Không chỉ ở dải Trường Sơn, những ngày này, nén tâm nhang luôn được thắp sáng để tri ân chiến sĩ, đồng bào; tri ân những mảnh đất đã kiên cường trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Ở những nơi mà “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”, sẽ còn cần nhiều hơn nữa sự chia sẻ và tiếp lửa...
Thành cổ Quảng Trị, ngày 26-7-2022, đoàn cựu chiến binh của bác Võ Quang Ghi trở lại thắp nhang ở đài tưởng niệm, thả hoa đăng nơi dòng Thạch Hãn. Vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số người hy sinh ở Thành cổ năm ấy, dòng khách tham quan lặng người, những giọt nước mắt lăn dài. “Có gì đâu mà khắc khoải”, lời bác Ghi nói với chúng tôi chiều 26-7, thật nhẹ nhàng như ngày rời ghế nhà trường để ra trận mùa hè năm 1972... |