PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) trong tháng 8, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký (tăng 65% so với tháng trước). Thế nhưng, trong thư các Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nước ngoài gửi Thủ tướng Chính phủ lại nhận định, Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Ông đánh giá như thế nào về 2 nội dung này?
Ông TRẦN BẰNG VIỆT: - Báo cáo của WB chỉ mới là vốn đăng ký, còn việc giải ngân hay không là của tương lai. Trong khi đó, nội dung trong thư của các Hiệp hội DN nước ngoài gửi Thủ tướng Chính phủ rất cần được quan tâm ngay, vì những DN này đã và đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Do vậy đây là 2 vấn đề khác nhau và không hẳn là trái nghịch nhau.
Với báo cáo của WB, cần xem lại tỷ trọng cơ cấu các DN đầu tư như thế nào. Thẳng thắn nhìn nhận thị trường lớn như Việt Nam (lớn thứ 15 thế giới về dân số và dân số trẻ vẫn còn chiếm lĩnh tới 10-15 năm nữa) vẫn rất hấp dẫn, nhất là cho nhóm sản phẩm liên quan đến tiêu dùng. Người trẻ thì thích mua sắm, tiêu xài, thậm chí còn tiêu xài vào thu nhập “hình thành trong tương lai”, nên dư địa phát triển cho thị trường tiêu dùng của Việt Nam rất lớn.
Thêm vào đó, Việt Nam vẫn là quốc gia có tiềm lực lớn về phát triển kinh tế nên sẽ có dư địa lớn, có làn sóng tái cấu trúc mạnh mẽ, xây dựng lại nền kinh tế sau dịch bằng những gói kích cầu đầu tư hạ tầng của Chính phủ, và một số ngành sẽ hưởng lợi như xây dựng, vật liệu cơ bản, năng lượng…
Điều này cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực có liên quan. Song như tôi đã nói, vốn đăng ký mới chỉ là đăng ký, không phải ai “tỏ tình với ta cũng sẽ cưới ta”.
Còn với nhận định của các Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam chúng ta phải quan tâm. Trong thời đại dịch trên toàn cầu, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam ở vai trò một quốc gia sản xuất, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế thế giới bị suy yếu.
Thực tế không phải đến khi các Hiệp hội DN nước ngoài đưa ra các nhận định như trong thư gửi Thủ tướng, mà trước đó chúng tôi cũng đã cảnh báo môi trường đầu tư của Việt Nam không giữ được lợi thế cạnh tranh như trước nữa với nhiều lý do.
Cách đây khoảng 2 tuần, một tờ báo của Nhật Bản đã đăng tin khá nhiều DN Nhật rục rịch rút bớt đơn hàng ra khỏi Việt Nam, vì chuỗi cung ứng hàng hóa của họ cho thị trường thế giới bị đứt gãy.
Trước đây nhiều DN Nhật, Đức… có chính sách rút khỏi Trung Quốc chuyển dần qua Việt Nam và các nước khác, trong đó Việt Nam là ưu tiên hàng đầu, thì nay một tỷ lệ trong số đó không rút khỏi Trung Quốc nữa, một phần chuyển đơn hàng trở lại Trung Quốc, một phần vẫn duy trì tại Việt Nam nhưng có thêm lựa chọn là những quốc gia khác. Việt Nam đang mất dần cơ hội.
Cuối năm ngoái khi Việt Nam có kết quả chống dịch rất tốt, chúng ta được xếp vào nhóm 5 quốc gia hưởng lợi, thế nhưng theo đánh giá của Nikkei cách đây gần 1 tháng, hiệu quả chống dịch của Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hàng loạt DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mà chúng tôi tư vấn đều đang “than khóc” vì chi phí cao gấp mấy lần biên lợi nhuận. Các DN châu Âu cũng cho biết 18% đơn hàng của họ đã dịch chuyển khỏi Việt Nam, các DN Mỹ cũng tính chuyện giảm đơn hàng.
- Vậy chúng ta có cần tính đến một kịch bản xấu hơn là DN nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy sang các nước khác trong khu vực?
- Tôi nghĩ việc dịch chuyển nhà máy của các DN FDI là ít có khả năng. Tuy vậy, có một điều cần phải được nhìn nhận là nhiều kế hoạch đẩy mạnh đầu tư đang bị đình trệ vô thời hạn. Những DN mà tôi biết trước đây có những kế hoạch đầu tư nâng công suất lên 20-30% thậm chí lên gấp rưỡi, thì nay họ không đầu tư nữa.
Chưa hết, một số nhà xưởng trước hoạt động với 100% hay thậm chí trên 100% công suất, nay họ có thể không chọn rút khỏi Việt Nam nhưng từng bước giảm công suất xuống còn 60-70%, điều này sẽ khiến Việt Nam giảm dần mức độ quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Đồng thời tác động đến chuỗi công nghiệp phụ trợ của các địa phương.
Đợt dịch năm ngoái Việt Nam hưởng lợi rất nhiều khi nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc (một công xưởng lớn của thế giới) chuyển sang các nước khác trong đó có Việt Nam, và khi ấy chúng ta được nhiều lợi ích từ dòng tiền, xuất nhập khẩu…
Nhưng ở đợt dịch này các DN FDI than phiền về cách chống dịch có phần thái quá của Việt Nam, khiến họ bị tổn hại hiệu quả trong thời gian quá dài. Nếu chúng ta chỉ giãn cách vài tuần đến một tháng thì với tình cảm và sự tin tưởng với Việt Nam họ vẫn chấp nhận.
Thế nhưng chúng ta kéo dài quá lâu, dù có cảm tình họ cũng không thể chấp nhận tiếp tục chịu gánh nặng chi phí quá lớn, càng làm càng lỗ như vậy.
- Theo ông nên làm như thế nào để giữ chân các DN FDI và chào đón những làn sóng đầu tư mới sau dịch?
- Theo tôi các giải pháp mà các Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam đưa ra rất rõ ràng, súc tích và thuyết phục. Cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét thật kỹ những đề xuất này. Nếu chúng ta chống dịch thành công (và hẳn ai cũng hy vọng như vậy), mọi chuyện sẽ dần bình thường trở lại, Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng trong đầu tư.
Tuy nhiên nhân cơ hội này chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư để một số điểm tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn. Bởi vẫn còn hiện tượng một số cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương chưa thực sự “kiến tạo” hay “trải thảm đỏ” cho đầu tư. Nếu không cải thiện chúng ta sẽ mất đi cơ hội “trăm năm có một” này.
- Xin cảm ơn ông.
Cuối năm ngoái Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia hưởng lợi, thế nhưng theo đánh giá của Nikkei cách đây gần 1 tháng, hiệu quả chống dịch của Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định đầu tư của các DN nước ngoài. |