Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết lần hỗ trợ này hướng tới nhóm lao động tự do bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Cụ thể là thu nhập dưới 4 triệu đồng theo mức chuẩn hộ nghèo - cận nghèo của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.
Việc xét duyệt sẽ do hội đồng xét duyệt của xã, phường đảm nhận trên cơ sở người lao động tự khai vào phiếu in sẵn do phường, xã cung cấp. Trường hợp người dân tạm trú phải có xác nhận của công an khu vực nơi tạm trú.
Dù vậy, một số người dân cũng bày tỏ sự lo lắng sẽ chậm nhận hoặc không nhận được tiền hỗ trợ vì không có đủ giấy tờ chứng minh.
"Năm ngoái nghe tin được hỗ trợ cũng mừng lắm, thấy tổ dân phố đến tận nơi ghi tên, phát phiếu khai thu nhập, mà cuối cùng có được nhận đâu" - vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung (42 tuổi, quê Tiền Giang), ngụ tại một khu trọ ở quận Tân Phú, chạnh lòng khi nhắc lại gói hỗ trợ người dân năm ngoái.
Lý do là gia đình chị không đáp ứng điều kiện có đăng ký tạm trú. Nhà chị có 5 người, 3 người đi làm thì chị và người con lớn làm bartender cho nhà hàng đã đứt hẳn thu nhập từ cuối tháng 5. Chồng chị chạy taxi công ty nhưng từ đợt lễ 30-4 bùng dịch chỉ còn chạy cầm chừng, đến đợt giãn cách này cũng nghỉ hẳn.
"Mấy bữa nay ở quê gửi gạo lên, ăn uống qua ngày vậy thôi. Tiền trọ, điện, nước gần 4 triệu thì chủ trọ giảm được 300.000 đồng. Hai tuần đầu giãn cách cũng vay mượn xoay xở, giờ kéo dài nữa chắc chịu không nổi" - chị nói.
Là người đi đến tận từng nhà người dân để thống kê và hỏi han lập danh sách, ông Vòng A Lộc - tổ trưởng một tổ dân phố tại quận Tân Phú - kiến nghị có thể "nới" quy định về đăng ký tạm trú để nhiều người khó khăn nhận được khoản hỗ trợ.
"Để người dân hiểu và coi trọng việc đăng ký tạm trú cần phải có thời gian. Đa số các hộ ở trọ có đăng ký tạm trú là họ có con nhỏ đi học. Còn phần lớn chẳng ai quan tâm. Giữa lúc dịch giã như thế này, nhiều người cần giúp đỡ. Nếu được thì có thể chỉ cần yêu cầu xác nhận của hai nơi là tổ trưởng và khu phố là đủ rồi. Hoặc đối với những trường hợp không đăng ký tạm trú mà chỉ có xác nhận của khu phố thì có quy định cho họ nhận 50% cũng được. Của cho không bằng cách cho", ông Lộc bày tỏ.
"Được đồng nào đỡ đồng nấy"
Làm nghề hớt tóc tại nhà với "cơ ngơi" chỉ vỏn vẹn cái gương lớn và cái ghế cho khách ngồi, suốt mấy tuần nay anh Nguyễn Cao Đại (48 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cũng không có lấy một đồng thu nhập. Vợ anh làm phụ việc cho một quán ăn cũng nghỉ việc nhiều tuần nay.
"Nhà có hai vợ chồng đi làm nuôi hai đứa con với mẹ già mà dịch giã như thế này cả hai vợ chồng đều không làm được gì. Mấy bữa nay cũng vay mượn chút đỉnh đắp đổi qua ngày, ráng cho qua đợt dịch", anh bảo.
Năm ngoái hai vợ chồng anh may mắn nhận được hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng. "Nói cho ngay, Nhà nước không hỗ trợ thì mình cũng phải xoay xở vì vẫn phải sống. Nhưng mà lúc khó khăn, có thêm khoản tiền cũng đỡ lo toan phần nào nên mong lắm chứ", anh thật thà chia sẻ.