Một biểu tượng của sự trỗi dậy đang dần sụp đổ, những lổ hỗng của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lộ

(ĐTTCO) - Những khó khăn mà Evergrande đang gặp phải đang phơi bày điểm yếu của hệ thống tài chính Trung Quốc - vay nợ thiếu kiểm soát và tham nhũng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hứa Gia Ấn từng là người giàu nhất Trung Quốc. Ông còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giúp đưa những ngôi làng nghèo khó trở thành khu đô thị hiện đại cho tầng lớp trung lưu. 

Khi công ty của ông - China Evergrande, trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, ông cũng gia nhập giới thượng lưu, có những chuyến đi xa hoa đến Paris để thưởng thức rượu vang quý hiếm, du thuyền triệu đô, máy bay riêng và xây dựng mối quan hệ với những người quyền lực nhất Bắc Kinh.

Lỗ hổng của nền kinh tế Trung Quốc 

Tuy nhiên, tất cả những điều hào nhoáng đó sắp mất đi. Những khoản nợ của công ty này đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong nhiều thập kỷ và đang trở thành mối đe dọa lớn. Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không còn chấp nhận chiến lược đi vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này đã đẩy ông Hứa và Evergrande xuống vực sâu.

Tuần trước, công ty này đã lỡ hạn thanh toán đối với trái phiếu nước ngoài và ôm khoản nợ lên đến hơn 300 tỷ USD. Tình trạng này khiến cả thế giới hoang mang rằng liệu Trung Quốc có đang đối diện với "khoảnh khắc Lehman" hay không.

Những khó khăn mà Evergrande đang gặp phải đang phơi bày điểm yếu của hệ thống tài chính Trung Quốc - vay nợ thiếu kiểm soát và tham nhũng. Cuộc khủng hoảng của công ty này đang là "phép thử" cho nỗ lực cải cải cách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi họ đưa ra lộ trình mới cho nền kinh tế.

Nếu cứu Evergrande, họ sẽ gửi đi một thông điệp rằng một số công ty đã quá lớn để sụp đổ. Nếu thực hiện bước đi ngược lại, hơn 1,6 triệu người đang chờ mua các căn hộ chưa hoàn thiện, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, cùng các chủ nợ và ngân hàng có thể mất tiền.

Leland Miller - CEO công ty tư vấn China Beige Book, cho biết: "Đây là khởi đầu cho sự kết thúc của mô hình tăng trưởng như chúng ta đã thấy ở Trung Quốc. Sự thay đổi về mô hình là những gì đang diễn ra."

Biểu tượng một thời cho sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

Evergrande thu hút người mua nhà bằng cách bán cho họ những căn hộ nhỏ nằm trong một khu phức hợp lớn, với hàng chục tòa nhà giống hệt nhau. Ông Hứa phát triển tập đoàn này từ một công ty nhỏ chỉ với hơn 10 nhân viên trở thành nhà phát triển bất động sản giàu có nhất Trung Quốc, nhờ đi vay tràn lan và mối quan hệ thân thiết với các chính trị gia. Evergrande thường tích cực đầu tư vào các dự án ở tỉnh, nhận được sự ủng hộ của giới chức địa phương.

Một biểu tượng của sự trỗi dậy đang dần sụp đổ, những lổ hỗng của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lộ diện - Ảnh 1.

Victor Shih - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, nhận định: "Ông Hứa không thể sở hữu tiềm lực lớn đến vậy nếu không có sự hợp tác của các ngân hàng lớn nhất quốc gia. Điều này cho thấy sự hỗ trợ của giới chức cấp cao là rất quan trọng."

Để thúc đẩy sự phát triển của Evergrande, ông Hứa thường đi vay 2 lần đối với mỗi mảnh đất mà ông phát triển. Đầu tiên, ông tìm đến các ngân hàng sau đó là những người mua nhà - đôi khi họ sẵn sàng trả trước 100% giá trị dù ngôi nhà chưa hoàn thiện.

Khi Evergrande và các đối thủ cạnh tranh bắt đầu phát triển, lĩnh vực bất động sản chiếm tới 1/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Riêng Evergrande đã xây dựng hơn 1 nghìn khu phát triển tại hàng trăm thành phố và tạo ra hơn 3,3 triệu việc làm mỗi năm.

Shih cho hay: "Hứa Gia Ấn đại diện cho một khía cạnh rất quan trọng trong quá trình cải cách của nền kinh tế Trung Quốc. Ông tận dụng sự thông minh và táo bạo của mình để tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này đôi khi là rất nguy hiểm theo góc độ kế toán tài chính."

Với khả năng tiếp cận nguồn tiền rẻ và không ngừng tham vọng, ông Hứa đã lấn sân sang những lĩnh vực khác dù không có kinh nghiệm hoặc chuyên môn, bao gồm sản xuất nước đóng chai, ô tô điện, chăn nuôi lợn và thể thao chuyên nghiệp.

Ông đã mua 2 chiếc máy bay riêng và sử dụng để giúp đội bóng của mình di chuyển, đội bóng này có tên Guangzhou Football Club. Công ty sản xuất xe điện của ông cũng có tầm nhìn táo bạo là trở nên lớn mạnh hơn cả Tesla, nhưng hiện đã bị trì hoãn sản xuất hàng loạt.

Tượng đài sụp đổ vì "nghiện nợ" 

Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc, tác hại từ chứng "nghiện nợ" của Evergrande trở thành một yếu tố không thể bỏ qua. Tập đoàn này có gần 800 dự án chưa hoàn thành tại hơn 200 thành phố trên khắp Trung Quốc. Nhân viên, nhà thầu và người mua nhà đã tổ chức các cuộc biểu tình để đòi tiền, nhiều người lo sợ rằng họ sẽ vô tình trở thành nạn nhân trong chiến dịch cải cách nợ của Trung Quốc.

Một biểu tượng của sự trỗi dậy đang dần sụp đổ, những lổ hỗng của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lộ diện - Ảnh 2.

Yong Jushang - nhà thầu từ thành phố ở miền trung Trung Quốc, vẫn chưa được thanh toán số nguyên vật liệu trị giá 460.000 USD mà ông cung cấp cho một dự án đã hoàn thành vào tháng 5. Yong cho biết: "Số tiền này không phải là nhỏ đối với chúng tôi. Chúng tôi có thể sẽ phá sản."

Yong và những nạn nhân tương tự đang là thách thức lớn nhất đối với các cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết vấn đề của Evergrande. Nếu Bắc Kinh nỗ lực đưa Evergrande trở thành "tấm gương" và để tập đoàn này sụp đổ, tài sản của hàng triệu người có thể sẽ tan biến cùng đế chế của ông Hứa.

Michael Pettis - giáo sư tài chính Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Nếu họ làm vậy, mọi thứ thực sự tồi tệ. Bắc Kinh lẽ ra phải hành động từ 10 năm trước. Họ đang can thiệp để cải cách lĩnh vực bất động sản vì mức giá đã quá cao. Càng đợi lâu thì việc khắc phục hậu quả càng trở nên khó khăn hơn."

Tháng 8, các giám đốc điều hành của Evergrande đã được cơ quan quản lý triệu tập. Họ cảnh báo công ty này phải kiểm soát được tình trạng nợ. Trong bối cảnh lo ngại sự sụp đổ của Evergrande có thể gây tác động cho cả nền kinh tế, tuần trước Bắc Kinh đã bơm vốn vào hệ thống ngân hàng nhằm xoa dịu sự xáo trộn của thị trường.

Hiện tại, ông Hứa gần như không còn là nhân vật quan trọng. Quá trình gây dựng sự nghiệp từ một cậu bé nghèo khó, mồ côi trở thành ông trùm bất động sản không còn là một câu chuyện truyền cảm hứng của Trung Quốc.

Công ty của ông đang phải bán bớt tài sản để huy động vốn nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Gần đây, người mua nhà vẫn tổ chức các cuộc biểu tình và phàn nàn trên các trang mạng xã hội rằng dự án xây dựng đang chậm trễ. Ngoài ra, NHTW Trung Quốc cũng đưa Evergrande vào diện "cần chú ý".

Theo bài luận của trên nền tảng của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc của Li Guangman - một nhà báo đã nghỉ hưu, nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ nằm trên miệng của núi lửa, có thể bùng cháy bất cứ lúc nào nếu chính phủ không có sự can thiệp thích hợp với trường hợp của Evergrande. 

Các tin khác