Một loạt giải pháp thúc tiến độ giải ngân vốn đạt 96%

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Nhà thầu thi công đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nhà thầu thi công đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải đang tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công của dự án giao thông cuối năm nhằm đảm bảo mục tiêu đạt tối thiểu 96% theo kế hoạch.

“Chạy nước rút” để kịp tiến độ giải ngân

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, năm 2021, đơn vị được giao kế hoạch hơn 8.202 tỷ đồng, tập trung giải ngân cho các dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long...

“Là đơn vị chiếm trên 20% tổng số vốn giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải, hiện Ban Quản lý dự án Thăng Long đạt tỷ lệ giải ngân hơn 85%, từ nay đến cuối năm sẽ đạt giải ngân trên 95% và có khả năng đạt tỷ lệ số lượng giải ngân cao nhất của bộ,” ông Roãn khẳng định.

Đưa ra bài học và giải pháp tăng tốc giải ngân vốn, ông Roãn nhìn nhận khâu xây dựng lập kế hoạch vốn phải sát với tình hình thực tế bởi nếu xây dựng ít quá thì không đủ vốn giải ngân tiến độ dự án. Ngược lại, nếu vốn cao quá các chủ đầu tư sẽ giải ngân lại không kịp.

“Khâu xây dựng lập kế hoạch vốn thường tiến hành từ tháng Mười của năm trước, các ban quản lý thường nghĩ đơn giản nhưng đây là khâu rất quan trọng. Mặt khác, ban cũng chú trọng đẩy mạnh siết giải ngân ngay từ đầu năm và tránh không dồn tập trung chạy nước rút vào cuối năm,” vị Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long nói.

Để làm công tác giải ngân, ông Roãn cho rằng yếu tố con người là quyết định; trong đó người đứng đầu mỗi đơn vị phải quyết liệt, xây dựng hệ thống nội nghiệp từ nhà thầu tốt, làm kịp thời. Sau đó, tư vấn giám sát và bộ phận ngoài hiện trường cần có những hướng dẫn kịp thời để hồ sơ không phải trả đi trả lại nhiều lần sẽ nhanh hoàn thành quyết toán và giải ngân.

“Nhiều nhà thầu không chuyên nghiệp làm hồ sơ rất sơ sài nên mất nhiều thời gian, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm,” ông Roãn chỉ ra nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong tổng số hơn 1.500 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao năm 2021 với các ban quản lý dự án trực thuộc tổng cục làm chủ đầu tư, giá trị giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch, số vốn còn phải giải ngân là hơn 500 tỷ đồng. Thời gian còn lại trong năm không nhiều, trong khi số vốn chưa giải ngân còn lại chiếm hơn 30% kế hoạch vốn.

Ông Huyện yêu cầu các ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2021 đã giao. Dự án nào số vốn đã bố trí giải ngân trong năm không hết, giám đốc ban quản lú dự án phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết lũy kế 11 tháng, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch.

Để giải ngân hết kế hoạch vốn cả năm đạt tối thiểu 96% (tương đương kết quả năm 2020), đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 63 của Chính phủ (giải ngân được 95-100% kế hoạch), theo ông Huy, từ nay tới 31/1/2022, Bộ Giao thông Vận tải còn phải tiếp tục giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm đơn vị gây khó khăn, cản trở giải ngân vốn

“Các đơn vị phải sốt ruột hơn nữa với công tác giải ngân” là yêu cầu thường thấy của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong các cuộc họp về giao ban công tác hàng tháng của bộ với các đơn vị. Điều đó cho thấy, ngành giao thông đặc biệt tập trung cho công tác giải ngân xây dựng cơ bản.

“Nhiệm kỳ này ngành giao thông vận tải được bố trí 304.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm phải giải ngân 60.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, ngành giao thông chỉ giải ngân 43.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của nhiệm kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiệm vụ trong giai đoạn tới là rất nặng nề,” Bộ trưởng Thể nói.

Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của ngành giao thông đối với giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ kết quả giải ngân của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư liên quan, lấy kết quả giải ngân để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của thủ trưởng các cơ quan đơn vị.

Bộ thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do lãnh đạo Bộ trực tiếp làm tổ trưởng, phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc phạm vi quản lý.

Để tiếp tục duy trì kết quả giải ngân trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm gồm triển khai thi công gắn với biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, không để gián đoạn công trường vì dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đấu thầu, quyết toán và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, bảo đảm trình tự theo quy định; xử lý nghiêm cán bộ gây khó dễ khi thanh toán.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí trong giải ngân vốn đầu tư công; giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình đồng thời cử cán bộ có thẩm quyền trực tiếp ra giám sát hiện trường, phối hợp làm việc với các đơn vị tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, đốc thúc nhà thầu, tư vấn tăng ca kíp đẩy nhanh tiến độ...

Các tin khác