Lan đột biến bị “biến tướng” từ thú chơi tao nhã
Nghệ thuật chơi hoa lan ở Việt Nam đã có từ lâu và đến nay ngày càng thịnh hành. Có rất nhiều loài lan đẹp, có cả lan rừng và lan nhập khẩu. Loài lan dáng đẹp, hoa đẹp, hương thơm còn được thi thố, trao giải, bán đầu giá.
Song, thời gian gần đây dân chơi lan choáng ngợp với các giao dịch tiền tỷ khi những giò lan, kie lan được gắn mác “đột biến” (hay còn gọi là lan var) được mua – bán với giá vài tỷ, thậm chí vài chục, vài trăm tỷ đồng. Dường như, giá trị nghệ thuật của lan đã bị bỏ đi, dân buôn cứ quảng bá, cứ thổi phồng để lôi kéo người cả tin lao vào kinh doanh, trục lợi, lừa đảo…
Tại nhiều địa phương, từ bà nội trợ đến bác xe ôm, nông dân đều nói về lan đột biến, đã có những người đầu tư cả tài sản tích cóp vào loại cây này, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp do kiện cáo, trộm cắp liên quan đến lan đột biến.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng lan đột biến không quá quý hiếm như lời đồn thổi, những cuộc giao dịch thời gian qua có thể là "chiêu" thổi giá.
Theo quan điểm của GS.TS Lê Huy Hàm, lan đột biến không phải cái gì quá quý hiếm mà chỉ có yếu tố lạ. Cũng giống như con gà, có con gà mái mơ, có con màu lông mật, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn.
Vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên hết sức thận trọng, tỉnh táo không nên lao vào "cơn lốc" này. “Lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp như lan hồ điệp, từng bước hình thành nền công nghiệp hoa lan”, ông Hàm nói.
Anh Trọng, một người chơi lan lâu năm tại Hà Nội chia sẻ, trong các hội thi hoa lan trên toàn quốc, dòng lan đột biến chưa bao giờ có giải. Chỉ những dòng lan rừng truyền thống như Kim điệp, Long tu, Trầm, Kiều tím, Kiều vàng, Ngọc điểm,… mới là loài hoa quý ở Việt Nam.
“Lan thật giá trị thật, đó là nghệ thuật ta phải trân trọng; còn lan thật giá trị ảo được dân buôn đưa lên nhằm trục lợi và lũng đoạn thị trường thì phải xem lại. Chính quyền cần vào cuộc và làm rõ để có biện pháp xử lý thích đáng” - anh Trọng nói.
Bên cạnh đó, anh Trọng bày tỏ bức xúc với nạn “lan tặc”: “Tôi cho rằng kinh doanh lan đột biến giá cao ngất ngưởng chỉ là giao dịch ảo. Chúng tạo ra những sàn giao dịch, phô trương bằng nhiều hình thức như tự thuê người đặt bảng giá trị cao của cây lan, lôi kéo các đại gia lắm tiền nhiều của lao vào, lôi kéo những người mộng làm giàu nhanh lao vào. Chúng dùng các chiêu trò cũ nhằm thổi phồng và thao túng thị trường.....
Hình ảnh chúng đưa vào là ảnh thật, người thật, băng rôn thật, tiền thật, lan thật nhưng giao dịch là giả vì các đối tượng trên hình là những người cùng hội cùng thuyền với chúng. Người dân hãy cảnh giác, chớ cả tin để bị lôi kéo vào, đừng để bọn chúng cho ăn “thịt lừa”".
Vì sao lan đột biến có giá trị “khủng”?
Cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm chơi lan, anh Nguyễn Văn H. (Hà Nội) cho biết, anh bén duyên với loài hoa này từ năm 2015 đến nay. Lúc đó thì chủ yếu chơi các loại lan rừng về sau mới biết đên lan đột biến (hay còn gọi là lan var).
Khi mới chơi thì chủ yếu đi sưu tập các loại lan rừng: Phi điệp, trầm, đuôi chồn, đai trâu... và cũng đã mạnh tay chi ra cả vài chục triệu đồng để tậu một giò lan về ngắm.
Theo anh H. chia sẻ, năm 2015 khi mới chơi lan, lương anh chỉ có khoảng 6-7 triệu đồng/tháng nhưng cũng đã dám mua những giò lan 15-20 triệu đồng về chơi. Sau đó, đến khoảng năm 2017 anh biết đầu bắt đầu biết đến lan đột biến.
“Năm 2017 khi biết đến lan đột biến, tôi đã từng mua những giò lan lên đến cả trăm triệu đồng. Những người thân quen hay bạn bè đều nói là tôi “thừa tiền” nhưng quả thật đó là tiền tôi đi vay chứ làm gì có.
Cũng vì đam mê loài hoa này nên có lúc tôi đã nợ tới cả tỷ bạc và phải trả lãi hơn chục triệu đồng/tháng để được thỏa mãn sở thích của mình” – anh H. cho biết.
Cứ như vậy, anh H. chuyển từ chơi lan rừng sang lan đột biến và lúc đó cũng chỉ nghĩ là mình được thỏa mãn đam mê. Sở hữu được cây lan đẹp, độc chứ chưa nghĩ tới giống lan này lại có giá như ngày hôm nay.
Anh H. cho biết: “Lúc đầu mua những giò lan đột biến chỉ nghỉ là thỏa mãn đam mê của mình. Sau này cây phát triển thì nhân giống bán gỡ lại gốc và có cây con để chơi chứ không ai nghĩ nó lại bán được cả vài tỷ bạc như bây giờ.
Vừa rồi, một giò lan đột biến tôi mua cách đấy mấy năm với giá gần hai trăm triệu đồng thì giờ bán được gần 5 tỷ đồng. Quả thực nghĩ lại tôi cũng không nghĩ nó có giá như vậy”.
Tuy nhiên, anh H. cũng không biết giải thích vì sao nó lại có giá cao ngất trời như bây giờ, chỉ thấy được giá nên bán. Hiện anh vẫn giữ lại một giò lan đột biến bố mẹ và đang cho nhân giống, nếu thành công thì với giá hiện tại cũng sẽ có lợi nhuận khoảng vài tỷ đồng từ việc bán cây con.
Nhưng với thị trường hiện nay thì theo anh H. cũng không ngoại trừ một lúc nào đó những cây lan đột biến này sẽ có giá chỉ vài chục triệu hay vài triệu đồng, thậm chí thấp hơn.
Vì vậy, theo anh H., nếu ai có ý định đầu tư hay làm giàu siêu tốc bằng việc kinh doanh lan đột biến thì cũng nên cẩn trọng không lại đến lúc mua được nhưng không bán được, rồi nợ nần chồng chất...
“Theo tôi, hiện nay giá lan đột biến đang được đẩy lên đỉnh điểm và việc mua qua bán lại những cây lan đột biến hay cây con của nó đang mang lại lợi nhuận cực “khủng”. Ai nhìn vào cũng thấy, nghĩ là cơ hội tốt để kinh doanh. Nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy thì đến một lúc nào đó tất cả đều bán ra thì ai sẽ là người thu mua?.
Nên nếu ai muốn đầu tư, kinh doanh thì nên tìm hiểu kỹ càng, lựa chọn cách làm an toàn chứ đừng cố lao vào như “thiêu thân” để rồi ôm một đống nợ hay mất tiền oan. Vì dù sao đây cũng chỉ là một mặt hàng, loài cây, nó tăng giá được thì cũng có lúc xuống” – anh H. cho biết.
Hiện nay, dù là người đã có lợi nhuận từ việc mua bán lan đột biến, nhưng khi hỏi về việc đầu tư thêm cho loài hoa này thì anh H. lại lắc đầu. Vì theo anh H., hiện nay giá loại hoa này đang ở đỉnh điểm, nếu có thì bán chứ mua thêm thì chả biết thế nào.