Cổ phiếu thăng hoa cùng kết quả kinh doanh quý I
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong tuần qua, nâng đỡ cho chỉ số trong nhiều phiên sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường. Trong đó, nổi bật nhất là các mã VPB, LBP, TCB, SHB, STB...
Sự sôi động của nhóm cổ phiếu này phần lớn đến từ việc các nhà băng báo lãi cao ngất ngưởng trong quý đầu năm 2021. Số liệu từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết, trong danh sách 20 doanh nghiệp có lãi sau thuế lớn nhất thị trường quý này, có tới 12 ngân hàng thương mại.
Trong đó, Vietcombank vẫn ổn định phong độ dẫn đầu (báo lãi 6.902 tỷ đồng, tăng 65% cùng kỳ năm trước). Tiếp đó là Vietinbank (lãi 6.461,5 tỷ đồng, tăng 167%). Hai ngân hàng khác cũng có mức độ tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số là MBBank, với 3.553 tỷ đồng, tăng 107,5% so với cùng kỳ; SHB, lãi 1.330 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng tư nhân quy mô lớn cũng có sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận như Techcombank (lãi 4.397 tỷ đồng, tăng 79%), VPBank (lãi 3.201 tỷ đồng, tăng 38,4%).
Nằm trong nhóm “Big 4” cùng với Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV kỳ này lãi 2.648 tỷ đồng, tăng 87,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ở tốp sau, các ngân hàng có quy mô tầm trung đều có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong quý I-2021 như HDBank lãi 1.563 tỷ đồng (tăng 76%), VIB lãi 1.446 tỷ đồng (tăng 68%), ACB lãi 2.483 tỷ đồng (tăng 61%), HDBank lãi 1.563 tỷ đồng (tăng 75,9%), VIB lãi 1.446 tỷ đồng (tăng 68,1%)…
Ngoài 12 ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng nói trên, một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng bất ngờ báo lãi kỷ lục với tăng trưởng tính bằng lần như SeABank lãi trước thuế 698,3 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với quý I-2020. LienVietPostBank tăng gần gấp đôi với lợi nhuận trước thuế đạt 1.112 tỷ đồng; KienLongBank chỉ đạt 702 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhưng con số này đã tăng 12,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cần chú ý sức bền của lợi nhuận
Việc hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi đột biến, theo một số chuyên gia phân tích, là nhờ kết quả tăng trưởng tín dụng và thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 31-3-2021 đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ 2020.
Cùng giai đoạn này, ACB tăng trưởng tín dụng hơn 4,1%, KienLongbank tăng 2,97%, HDBank tăng khoảng 5,2%...
Tại BIDV và VietinBank, nếu như quý I năm ngoái, tín dụng tăng trưởng âm thì trong ba tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng tín dụng của hai nhà băng đạt lần lượt 2,7% và 2,6%.
Hoạt động phi tín dụng của ngân hàng (kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu, đặc biệt là bán chéo bảo hiểm) cũng sôi nổi hơn, kéo theo thu dịch vụ của các nhà băng cũng khả quan. Tại HDBank, thu nhập thuần từ dịch vụ trong quý I-2021 tăng gần gấp hai lần cùng kỳ năm trước, tại VietinBank con số này cũng tăng 21%...
Tuy vậy, dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, “tác động của Thông tư 03-2021-TT-NHNN lên hoạt động của các tổ chức tín dụng đã làm cho bức tranh lợi nhuận ngân hàng trở nên tốt đẹp hơn thực tế”.
Cụ thể, ngày 2-4-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03-2021-TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo thông tư này, các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021 mà không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chỉ phải trích lập dự phòng tối thiểu 30% cho khoản nợ có khả năng mất vốn trong năm 2021 và trích lập đủ 100% trong vòng 3 năm tới.
"Thông tư 03-2021-TT-NHNN giúp tình trạng nợ xấu của ngân hàng có vẻ giảm đi vì không có "nhảy nhóm"", TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính
Điều này có nghĩa các ngân hàng “chưa phải vội” trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu cho năm 2021 và riêng quý I thì việc trích lập hay không còn tùy vào từng ngân hàng.
“Thông tư 03 giúp tình trạng nợ xấu của ngân hàng có vẻ giảm đi vì không có “nhảy nhóm”, lợi nhuận, giá cổ phiếu và uy tín ngân hàng đều tăng lên, nhưng điều này cũng tiềm ẩn cú sốc về nợ xấu, lợi nhuận của ngân hàng khi hết thời hạn được tái cơ cấu nợ, giãn nợ”, TS. Hiếu nhận xét.
Phân tích nói trên có cơ sở nếu nhìn vào thực tế trích lập dự phòng tại báo cáo tài chính quý I-2021 của các ngân hàng. Có thể nói, mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giữa các ngân hàng trong quý đầu năm đang có sự phân hoá rõ rệt: Có nhà băng tăng trích lập tới ba con số, được nhiều người nhận xét là “giấu lợi nhuận trong đó”, nhưng cũng có nhà băng trích lập không đáng kể, thậm chí không trích lập dự phòng.
Cụ thể, tại VietinBank, trong cấu thành mức lợi nhuận tăng 169%, có 26% nhờ thu nhập lãi thuần tăng (do chi phí huy động giảm 20%), 21% do thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng và tới 69% từ nguyên nhân chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.
Làm một phép so sánh sẽ thấy rõ vai trò của việc giảm trích lập dự phòng tại ngân hàng này: Năm 2020, lợi nhuận trước dự phòng của nhà băng này đạt hơn 29.200 tỷ đồng nhưng sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thì tổng lợi nhuận trước thuế còn hơn 17.000 tỷ đồng.
Tại SHB, nhờ không phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý I mà lãi trước thuế cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.664 tỷ đồng.
Cũng với lý do tương tự, lợi nhuận sau thuế trong quý I-2021 của NamABank đạt 368 tỷ đồng, tăng 225% so với cùng kỳ năm ngoái; VietABank báo lãi sau thuế 125 tỷ đồng, tăng 55%; BacABank lãi gần 184 tỷ đồng, tăng 29%. Cá biệt, BaoVietBank, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 25% so với cùng kỳ nhưng vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,2 lần, đạt gần 152 tỷ đồng...
Một số ngân hàng khác cũng “nương theo” Thông tư 03 mà giảm trích lập dự phòng như MB giảm trích lập 14%; OCB giảm 48%; KienLongBank giảm 51%... Đây đều là các nhà băng vừa báo lãi đậm.
Sacombank là một trong số ít ngân hàng nằm ngoài xu hướng lợi nhuận tăng vọt (lãi 1.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái) do có trích lập dự phòng tới 40% ngay từ đầu năm.
Nêu lên thực tế nhiều khoản nợ của các ngân hàng không thu hồi được và phải miễn giảm lãi, phí theo chỉ đạo chung, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, sau khi hết thời gian giữ nguyên nhóm nợ, nguy cơ bùng phát nợ xấu trong ngành là rất cao.
Năm 2021, mức tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng được FiinGroup dự báo vẫn ở mức cao, trong đó, một số ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng mạnh nhất như Vietcombank (tăng 14,9%), BIDV (tăng 41,3%) và VietinBank (41,9%)… Kỳ vọng vào đà tăng trưởng đó, nhiều cổ phiếu “dòng bank” vẫn liên tục chinh phục đỉnh cao mới.
Tuy vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo để đo lường sức bền lợi nhuận của mỗi ngân hàng. Bởi nội tại từng ngân hàng đang có sự phân hoá mạnh về nguồn thu, dư nợ tín dụng, biên độ lợi nhuận cũng như thực tế trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.