Đua nhau lên đỉnh
Từ mức giá dưới 16.000 đồng/CP phiên giao dịch ngày 10-3, mã SHB (NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội) có chuỗi tăng liên tục và bất ngờ vọt lên 28.500 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 2-4.
Với mức tăng lên đến 80% chỉ trong chưa đầy 1 tháng, SHB không chỉ xác lập đỉnh lịch sử, còn trở thành tâm điểm của TTCK trong khoảng thời gian này. Đáng chú ý, trong các phiên giao dịch này thanh khoản của SHB đẩy lên rất cao, với hàng chục triệu CP được chuyển nhượng mỗi phiên.
Chính lực cầu quá lớn này giúp SHB có những khoảnh khắc đảo chiều ấn tượng, đang giao dịch ở mức giá giảm bất ngờ tăng trần, với lệnh mua hàng triệu CP được đẩy lên cùng lúc.
Đơn cử, phiên giao dịch ngày 26-3 với gần 80 triệu CP khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch 1.520 tỷ đồng.
Trước đó, hơn 1,2 tỷ CP SSB (NHTMCP Đông Nam Á) cũng có đợt sóng tăng chóng mặt (20%) ngay trong ngày 24-3 chào sân HoSE: từ mức giá tham chiếu 16.800 đồng/CP lên 20.150 đồng/CP. Ngay sau đó, SSB tiếp tục có chuỗi tăng kéo dài và vượt đỉnh 28.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 31-3.
Như vậy, chỉ sau 6 phiên giao dịch, SSB ghi nhận mức tăng gần 70%. Dù chỉ là tân binh nhưng thanh khoản của SSB rất lớn với hàng triệu CP được giao dịch mỗi phiên.
Tương tự, BAB (NH TMCP Bắc Á) chuyển niêm yết từ UPCoM lên HNX với giá tham chiếu 16.000 đồng/CP, cũng tăng hết biên độ 30% ngay trong phiên chào sàn ngày 3-3 lên 20.800 đồng/CP. Chuỗi tăng điểm của BAB tiếp tục kéo dài trong nhiều phiên kế tiếp, giúp mã CP này có thời điểm vượt mốc 36.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 12-3. Như vậy, chỉ trong vòng 8 phiên giao dịch, BAB ghi nhận tỷ lệ tăng xấp xỉ 130%.
Những phiên tăng ngoạn mục của 2 mã CP trên, khiến cổ đông “lỡ tàu” quyết định dốc tiền gom các mã NH đang có mức giá dưới 20.000 đồng/CP, tương đương với điểm xuất phát của SHB. Theo quan điểm của NĐT, nếu SHB và SSB lên gần 30.000 đồng/CP, những NH có cùng xuất phát điểm không thể có giá dưới 2.0, thậm chí phải có mức giá tương đương. Với suy nghĩ này, NĐT không ngần ngại rót vốn vào nhiều mã CP NH.
Đặc biệt, 2 mã NH là STB (NHTMCP Sài Gòn Thương tín) và EIB (NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) đã tăng hết biên độ trước lực cầu quá lớn từ NĐT. Phiên giao dịch ngày 30-3, STB tạo nên kỷ lục về thanh khoản với gần 100 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương với giá trị giao dịch đạt 2.000 tỷ đồng.
Tăng không cần lý do
Tăng không cần lý do
Việc SHB bất ngờ lên đỉnh lịch sử gây bất ngờ cho cả TTCK, bởi NH này dường như không có thông tin gì đột biến ngoài kế hoạch kinh doanh năm 2021, với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 70% so với năm ngoái.
Trong khi đó, SHB lại đang đối mặt với rủi ro xuất phát từ các đợt tăng vốn quá nhanh trong quá khứ. Kể từ năm 2015 đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng gấp gần 2 lần, từ mức 9.486 tỷ đồng lên 17.558 tỷ đồng, trong đó riêng trong 3 quý đầu năm 2020, SHB đã phát hành thêm đến 5.552 tỷ đồng. Quy mô vốn tăng nhanh trong thời ngắn, trong khi hiệu quả kinh doanh tăng chậm, không tương xứng với biên lãi ròng (NIM) chỉ khoảng 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình ngành 3,84%.
Dù “câu chuyện” lợi nhuận 2021 của SHB còn khá mơ hồ, nhưng với NĐT điều này dễ hiểu hơn so với trường hợp của STB và EIB. Thậm chí, STB còn đón nhận thông tin kém tích cực liên quan đến khoản cầm cố CP STB để đảm bảo cho khoản vay, với dư nợ có khả năng mất vốn gần 1.900 tỷ đồng.
Cụ thể, KLB đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là 176 triệu CP STB. Còn với EIB, tin tốt nhất lại đến từ đề xuất sửa đổi quy chế để có thể tổ chức được ĐHCĐ thường niên. EIB hiện là NH duy nhất chưa thể tổ chức ĐHCĐ năm 2020 do không đủ tỷ lệ tham dự.
Hiện tượng bất thường
Hiện tượng bất thường
Nhóm CP NH luôn tăng đầu tiên khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu bước vào chu kỳ tăng điểm. Nói cách khác, lịch sử khởi đầu con sóng tăng điểm của thị trường thường là sự bật dậy trước tiên của CP vua. |
Mức giá chào sàn của BAB khiến giới đầu tư thời điểm đó hết sức ngỡ ngàng vì cao gấp 1,62 lần giá trị sổ sách (12.318 đồng/CP), thậm chí cao hơn so với các NH lớn đang niêm yết ở thời điểm đó. Thế nhưng, bất chấp sự nghi ngại của NĐT, BAB vẫn tăng mạnh sau khi niêm yết và có thời điểm mã CP này tăng gần chạm mốc 29.000 đồng/CP.
So với cách đây hơn 3 năm, sóng tăng lần này của BAB dù diễn ra trong thời điểm CP NH hút dòng tiền nhưng vẫn bị giới đầu tư đặt nghi vấn, bởi hoạt động kinh doanh của BAB thuộc hàng yếu kém nếu đặt lên bàn cân so sánh với các NH đang niêm yết khác. Theo báo cáo tài chính năm 2020, lợi nhuận trước thuế của BAB đạt 737 tỷ đồng (giảm 21%).
Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh, trong khi thu nhập lãi thuần tăng trưởng yếu. Đáng chú ý, nợ xấu cuối năm 2020 của BAB 628 tỷ đồng, tăng 25,6% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,69% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 0,79%.
Và cũng như quá khứ, cơ cấu cổ đông quá cô đặc và không có cổ đông lớn (sở hữu hơn 5% cổ phần), là yếu tố quá dễ để các đội lái làm giá CP BAB.
Sóng tăng của SSB cũng bị đặt dấu hỏi, bởi cơ cấu cổ đông của NH này gần như tương đồng với BAB. Cơ cấu cổ đông cô đặc cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản của SSB không có sự đột biến, nhất là trong các phiên tăng trần. Với đặc thù này, theo dự báo của giới phân tích, khi sóng NH đi qua, SSB và BAB sẽ là những mã CP NH mất thanh khoản đầu tiên.
Phía ngược lại, NĐT nắm giữ CP của SHB hay STB không quá lo lắng về thanh khoản, nhưng phải đối mặt rủi ro giảm giá rất lớn khi CP bước vào đợt điều chỉnh. NĐT nắm giữ CP SHB sẽ không quên phiên giao dịch ngày 5-4. Từ mức giá tham chiếu 27.000 đồng/CP, mã CP này bất ngờ giảm mạnh về giá sàn 24.300 đồng/CP, khi bên nắm giữ bất ngờ tung lệnh bán hàng triệu CP ở mức giá ATC và giá sàn.