Điểm nóng nhân sự cấp cao
Eximbank vừa công bố thông tin Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc từ ngày 22-3. Đồng thời, HĐQT cũng đã thông qua việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Quốc. Trước đây, bà Tú từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc NamABank.
Tại ĐHCĐ Eximbank năm 2018, bà Tú được một nhóm cổ đông của Eximbank giới thiệu trúng cử thành viên của HĐQT NH này. Thời điểm đó, có 4 nhân sự ứng cử bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Eximbank, NHNN chỉ chấp thuận 1 nhân sự là bà Tú.
Năm ngoái, Eximbank đã xảy ra vụ tiền gửi “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng, khiến NH phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và Tổng giám đốc Lê Văn Quyết đã có đơn xin bãi nhiệm, nhưng hiện ông Quyết vẫn còn giữ vai trò điều hành NH này. Với sự thay đổi nhân sự ghế nóng này, ĐHCĐ Eximbank diễn ra vào ngày 26-4 sắp tới cũng đang thu hút sự chú ý của thị trường.
Bên cạnh điểm nóng nhân sự tại Eximbank, một số NH khác cũng sẽ tiến hành bầu lại HĐQT trong ĐHCĐ năm nay. Theo VIB, nhiệm kỳ VII (2016-2019) của HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) VIB kết thúc vào phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2019. Do vậy, VIB cần tiến hành bầu các thành viên cho nhiệm kỳ VIII.
Cơ cấu HĐQT dự kiến sau khi bầu sẽ có 7 thành viên, trong đó 6 thành viên thông thường, 1 thành viên độc lập, 6 thành viên không phải là người điều hành. MB cũng lên kế hoạch bầu lại thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2019-2024 tại ĐHCĐ sắp tới. Hiện HĐQT MB có 10 thành viên, trong đó gồm ông Lê Hữu Đức là Chủ tịch HĐQT, 2 Phó Chủ tịch là ông Lê Trung Thái và ông Lê Công, cùng 7 thành viên HĐQT khác.
VPBank đã sớm lấy ý kiến cổ đôngvề nhân sự và lợi nhuận.
Tự tin về lợi nhuận
Năm 2018, 10 NH nằm trong top lợi nhuận cao nhất đạt tổng cộng hơn 83.000 tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2017. Tiếp đà đó, các NH tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước. Năm 2018, Vietcombank đạt kỷ lục 18.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết trong năm 2019, Vietcombank sẽ tiếp tục nỗ lực mục tiêu NH số 1 Việt Nam, hướng tới top 100 NH lớn nhất khu vực và trong 300 định chế tài chính lớn nhất toàn cầu, đồng thời đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay trên 20.000 tỷ đồng.
Năm ngoái, Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.800 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận và kết quả đạt hơn 6.742 tỷ đồng. Dù vậy, năm nay Vietinbank cũng cho thấy kỳ vọng lợi nhuận tăng mạnh khi đặt mục tiêu 9.500 tỷ đồng.
Cũng lạc quan về tình hình kinh doanh năm nay, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.895 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2018. Tờ trình HĐQT VIB cho biết, năm 2018 lợi nhuận trước thuế của NH đạt 2.743 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Năm 2019, NH đặt kế hoạch lợi nhuận 3.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm ngoái.
Theo khảo sát được Vụ Dự báo thống kê (NHNN) công bố gần đây nhất, có tới 79,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý I-2019, và 88,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó 24-35% TCTD kỳ vọng cải thiện lớn.
Dồn cổ tức để tăng vốn
Dù lãi lớn trong năm ngoái và tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao hơn, nhưng do vấn đề tăng vốn ngày càng áp lực hơn đối với các NHTM và sẽ là điểm nóng trong mùa ĐHCĐ, nên lợi nhuận nhà băng tăng chỉ phục vụ cho nhu cầu vốn của NH. Còn cổ tức sẽ khó đáp ứng được mong mỏi của cổ đông.
Dồn cổ tức để tăng vốn
Dù lãi lớn trong năm ngoái và tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao hơn, nhưng do vấn đề tăng vốn ngày càng áp lực hơn đối với các NHTM và sẽ là điểm nóng trong mùa ĐHCĐ, nên lợi nhuận nhà băng tăng chỉ phục vụ cho nhu cầu vốn của NH. Còn cổ tức sẽ khó đáp ứng được mong mỏi của cổ đông.
Theo chương trình dự kiến, Vietinbank tổ chức ĐHCĐ vào ngày 23-4, trong đó có bàn đến nội dung tăng VĐL.Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng 12-2018, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết hiện nay các nguồn lực để Vietinbank tăng vốn tự có, VĐL đều đã được khai thác ở mức tới hạn và các biện pháp tăng vốn tới đây sẽ được thực hiện thông qua việc đề xuất với các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước để xem xét giữ lại cổ tức hàng năm. Đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mặt cũng đang được Vietcombank và BIDV tích cực đề xuất kiến nghị trong thời gian gần đây.
Ở nhóm NHTMCP, VPBank đã sớm lấy ý kiến cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Cụ thể, trong hơn 7.355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, NH trích lập các quỹ hơn 3.924 tỷ đồng. Tổng số lợi nhuận chưa phân phối còn lại 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank.
MB dự kiến sẽ có tổng mức chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông năm 2018 lên đến 25%. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch tăng VĐL thêm 19% lên 21.605 tỷ đồng, trong 25% này, NH chi trả cổ tức 11% và phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu để chia cho cổ đông (cổ phiếu thưởng) với tỷ lệ 14%.
Trong khi đó, ACB dự kiến sẽ trình cổ đông phương án tăng VĐL từ phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Trong 2 năm 2017 và 2018, NH chia cổ tức rất cao, lần lượt 15% và 30%, nhưng đều bằng cổ phiếu. VIB đặt mục tiêu tăng 24% lợi nhuận trong năm 2019, nâng VĐL lên 10.900 tỷ đồng, trong đó bao gồm kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.
LienVietPostBank đã dời ĐHCĐ từ ngày 28-3 sang ngày 24-4, và trong chương trình dự kiến HĐQT sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu để tăng VĐL và chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). NamABank cũng sẽ trình kế hoạch tăng VĐL và tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Với kế hoạch tăng vốn đang được đề ra, dự báo các NH này sẽ ưu tiên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hiện nay tăng vốn là vấn đề lớn của hệ thống NH. Trong đó, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là giải pháp để các nhà băng xây dựng nền tảng hoạt động an toàn và sinh lời trong tương lai.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng điều này sẽ khiến cổ đông thêm một năm nữa chịu thiệt thòi khi cổ phiếu NH vẫn chưa có nhiều triển vọng, vốn hóa cổ phiếu NH đã bốc hơi gần 70.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Hơn nữa, các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm, các TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt, không được chia cổ tức cho đến khi thanh toán xong các trái phiếu này.
Kỳ vọng nhận cổ tức bằng tiền mặt khó thành hiện thực trong một thời gian dài nữa, vì không chỉ NH cần tăng VĐL mà trong dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC mới đưa ra, NHNN còn dự kiến không cho phép chia cổ tức bằng tiền mặt đối với các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt. |