Nhiều công ty “vốn ngàn tỷ” rơi đài
Đình đám trên sàn là một số DN bất động sản ghi vốn ngàn tỷ đồng nhưng liên tục đỏ sàn, giá một cổ phiếu rẻ hơn bó rau. Điển hình là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG), với vốn chủ sở hữu đến 4.275 tỷ đồng (vốn điều lệ 2.751 tỷ đồng) nhưng giá trên sàn luôn “âm”, hiện ở mức chỉ 6.000 đồng/cổ phiếu. Vốn khủng nhưng lợi nhuận bèo bọt, năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của QCG chỉ 78 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế là 58,5 tỷ đồng).
Tương tự, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) có vốn chủ sở hữu đến 12.080 tỷ đồng (vốn điều lệ 9.274 tỷ đồng) nhưng nhiều năm qua giá cổ phiếu chỉ quanh quẩn 4.000 đồng/cổ phiếu. Hoạt động kinh doanh của DN này năm 2019 lỗ hơn 700 tỷ đồng. DN có nguồn gốc nhà nước, có vốn chủ sở hữu lớn cũng không có hiệu suất kinh doanh cao.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà (ITC) một thời hoành tráng thì theo báo cáo tài chính, DN này có vốn chủ sở hữu hơn 1.660 tỷ đồng (vốn điều lệ 690 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế cũng chỉ hơn 110 tỷ đồng.
Hiện rất nhiều DN bất động sản vốn hàng ngàn tỷ đồng khác cũng hoạt động khó khăn trong mùa dịch từ đầu năm đến nay. Doanh số và lợi nhuận rất thấp so với vốn chủ sở hữu. Chắc chắn, “hậu quả” không hề nhỏ của nó sẽ được thể hiện trong báo cáo tài chính vào đầu năm sau. Để tồn tại và thu hút vốn, thời gian qua, các DN bất động sản đã chuyển sang kênh trái phiếu DN.
Nhiều DN sẵn sàng chi hoa hồng phát hành trái phiếu với tỷ lệ rất cao, do vậy, tại các ngân hàng, kênh phát hành trái phiếu cho DN được xem là một trong những nguồn thu dịch vụ chính mang lại lợi tức cao. Một số ngân hàng mở hẳn phòng tư vấn hoặc bộ phận kinh doanh chứng khoán, trái phiếu và giao nhân viên ngân hàng chiêu dụ khách hàng.
Nắm biết khách hàng nào có tiền nhàn rỗi, thay vì gởi tiết kiệm với lãi suất thấp thì nhân viên ngân hàng câu dụ khách đầu tư mua trái phiếu DN đầy rủi ro này. Hầu hết khách hàng nhỏ lẻ vốn không am hiểu tài chính, nghe lời chiêu dụ lãi suất cao của nhân viên ngân hàng, đã đầu tư vào trái phiếu DN.
Ngành thực phẩm lên ngôi
Trong khi các DN bất động sản lún sâu thì các DN sản xuất, nhất là các ngành hàng thực phẩm vốn lợi nhuận ổn định nay lại lên ngôi trong mùa dịch. Điển hình là Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (CMF - Upcom) có vốn chủ sở hữu chỉ 450 tỷ đồng (vốn điều lệ 81 tỷ đồng) nhưng tổng doanh thu đến 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2019 lên đến 208 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế 166 tỷ đồng). Lợi nhuận trong năm gấp 2,5 lần vốn điều lệ. Do vậy, tại Đại hội cổ đông năm 2020, CMF đã chia cổ tức với tỷ lệ đến 50%/mệnh giá (tăng 66,7% so với năm trước).
Công ty CP Dầu thực vật Tường An (TAC) cũng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, nên ngay khi bùng phát Covid-19, DN đẩy mạnh sản xuất. Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TAC đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019; lợi nhuận gộp 7 tháng hơn 370 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2019. Do vậy, giá cổ phiếu TAC từ đầu năm tới nay tăng gần 50%, hiện giao dịch ở mức trên 36.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) đạt doanh thu 7 tháng đầu năm là 832 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 21%. Chỉ mới 7 tháng đã hoàn thành 94% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm. Nắm bắt nhu cầu do mùa dịch, người dân hạn chế tiếp xúc và ra ngoài, DN đã đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, nhờ đó đẩy mạnh được doanh số.
Được lợi nhiều nhất trong mùa dịch có lẽ là các DN may khẩu trang. Chỉ từ tháng 5, Công ty CP Wakamono Việt Nam công bố thông tin về vải kháng khuẩn áp dụng công nghệ nano Biotech để sản xuất khẩu trang y tế và đồ bảo hộ lao động, lập tức nhà máy công ty đã chạy hết công suất (khoảng 20 tấn loại vải này mỗi ngày) để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Tiếp đến là các công ty thực phẩm. Công ty Sài Gòn Food trong tháng 3, tháng 4 nhận đơn hàng thực phẩm đông lạnh tăng 40%.
Các mặt hàng bữa ăn tươi chế biến sẵn như cơm chiên, miến gà, bánh canh, bún riêu cua đồng, mì Ý… tăng đến 70% - 80% so với thời điểm trước dịch. Thậm chí, dù là hàng đông lạnh, nhiều mặt hàng còn bị cháy hàng. Một loại hình dịch vụ lợi nhuận cao nữa là các DN bán hàng online.
Mùa dịch, người dân hạn chế tiếp xúc nên chuộng mua bán online. Công ty Sài Gòn Food cho biết, kênh bán hàng online tăng đến 24 lần so với trước dịch. Các công ty khác như Thế giới di động cũng tăng trưởng mảng dịch vụ bán hàng online, mang lại doanh thu lớn và lợi nhuận cũng tăng theo.