Người tiêu dùng xem thông tin trên bao bì thực phẩm chức năng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Loạn giá, phập phù chất lượng
Sau khi mắc Covid-19, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ngụ quận 12, TPHCM) thường xuyên mệt mỏi, tức ngực, khó thở. Kiểm tra X-quang tim phổi tại một số bệnh viện uy tín, kết quả không có tổn thương hay bất thường gì. Nhưng quá lo lắng, lại lướt mạng xã hội nghe quảng cáo “bùi tai” nên chị Phượng nhờ người quen tìm mua thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe. Đúng dịp lễ 30-4 và 1-5, một người bạn thông báo có nơi bán uy tín 10g đông trùng hạ thảo Tây Tạng nguyên con, nhập từ Trung Quốc với giá 15 triệu đồng (tương đương 1,5 tỷ đồng/kg). Người bán cho biết, sản phẩm đặc biệt tốt cho người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân có khối u… Đắn đo giây lát, chị Ngọc Phượng đồng ý chuyển tiền, nhận hàng.
Giống như chị Phượng, anh Lê Văn Khạ cũng phân vân lựa chọn giữa đông trùng hạ thảo Tây Tạng với sâm Ngọc Linh (Việt Nam) hoặc nhân sâm Hàn Quốc. “Tôi là lao động chính trong gia đình nên phải mua để bồi bổ sức khỏe, nhưng giá mắc quá. Cùng là đông trùng hạ thảo Tây Tạng, có nơi bán 15 triệu đồng/10g, có nơi chỉ 2-3 triệu đồng/10g. Sâm Ngọc Linh cũng vậy, có nơi bán 10-20 triệu đồng/100g, có nơi chỉ 1-2 triệu/100g, riêng sâm Hàn Quốc giá khá mềm, khoảng 2-5 triệu đồng/kg. Tính mua mà hoang mang quá”, anh Lê Văn Khạ lo lắng.
Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm “hàng độc” để bồi bổ sức khỏe sau khi mắc Covid-19, chúng tôi được người bán trên mạng săn đón nhiệt tình. Hầu hết các loại thảo dược, “thần dược” đều được đem ra giới thiệu, giá từ vài triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/kg. Tất nhiên, người bán thông tin, với các loại siêu hiếm và đắt như đông trùng hạ thảo nguyên con từ Tây Tạng, chỉ cần uống chưa tới 100g (khoảng 150 triệu đồng) da dẻ đã mịn màng, hồng hào, các triệu chứng ho khan, tức ngực đều chấm dứt (!?).
Anh Nguyễn Việt Lân, hướng dẫn viên kiêm chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng tại quận 3, TPHCM thừa nhận, tình trạng “ăn theo Covid-19” để bán thực phẩm chức năng khá phổ biến. Thực tế, cùng mặt hàng nhưng giá chênh rất nhiều. Ví dụ, cùng nấm lim xanh, nhưng nấm non, hàng tạp phẩm có giá vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/kg, nhưng người bán độn với hàng chất lượng và bán giá hàng cao cấp là siêu lời. Tương tự, các loại đông trùng hạ thảo gãy, vụn, yến sào nhiều tạp chất… đúng giá chỉ bằng 30-35% hàng loại 1, nhưng người bán vẫn “phù phép” thành hàng cao cấp để móc túi khách hàng.
Anh Lân kể: “Cách đây 2 ngày, một khách hàng của công ty du lịch tôi đang làm việc buồn bã cho biết, đã mua phải sâm Ngọc Linh giả giá 5 triệu đồng/100g. Hình sản phẩm trên mạng với ngoài đời hoàn toàn khác nhau. Vị khách này tiếc nuối và xem đó là bài học để cảnh giác hơn”.
Tránh tiền mất, tật mang
Thử vào mục tìm kiếm thực phẩm hỗ trợ sau khi bị Covid-19, sẽ cho ra hàng chục triệu kết quả trên Google. Điều này cho thấy nhu cầu mua hàng và tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe hiện tại rất lớn. Thậm chí có người bán còn quảng cáo rằng, nhờ uống kết hợp nhiều thực phẩm chức năng, “thập toàn đại bổ” mà họ đã hết bệnh.
Chị L.H.V, giám đốc một doanh nghiệp du lịch tại quận 3, TPHCM, chia sẻ, chị đang sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng, trong đó rất nhiều loại đắt tiền, hàng trăm triệu đồng/100g. “Khỏe liền và thấy tác dụng liền là người bán nói cho hay mà thôi. Bởi không có loại thực phẩm đại bổ nào có tác dụng tức thì. Tôi may mắn có cơ hội sử dụng những sản phẩm loại tốt ngay từ lúc khỏe mạnh, chứ không phải bị bệnh rồi mới dùng”, chị V. tâm sự.
Cách nay vài tháng, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã đồng loạt kiểm tra, phát hiện nhiều lô hàng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 có xuất xứ từ Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp, nhưng người bán không xuất trình được chứng từ hợp pháp của lô hàng. Đáng nói, người bán khai nhận cung ứng các sản phẩm này đến người mua thông qua mạng xã hội, rất ít trong số này được bán trực tiếp. Thế nhưng, như nhận định của một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM, thì đa phần người mua được người thân, bạn bè hướng dẫn hoặc tự tìm, nên lỡ mua hàng giả cũng âm thầm chịu đựng, vì sợ mang tiếng “nhiều tiền mà dại”. Do vậy, cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cảnh báo, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nhưng vẫn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, bởi không phải cứ dùng nhiều là tốt, là khỏe. Bởi thực tế có nhiều người lạm dụng thực phẩm chức năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, đã được cơ quan y tế cảnh báo nhiều lần.
“Mạng xã hội phát triển mạnh, tốc độ lan tỏa cao, nên mặt hàng nào bán chạy, lợi nhuận cao thì nguy cơ bị làm giả càng lớn. Tốt nhất người mua nên chọn lựa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem chống giả trên sản phẩm”, ông Nguyễn Viết Hồng khuyến cáo người tiêu dùng.