Lâu nay, những người trông giữ xe vẫn phải nộp thuế khoán. Và nay tài xế GrabBike cũng phải nộp thuế theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Trên thực tế, bất động sản là mảng kinh doanh bị trốn thuế nhiều nhất. Cục Thuế TPHCM từng báo cáo, chỉ riêng hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn TPHCM, mỗi năm nhà nước thất thu khoảng 2.000 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân. Dù trước đây, nhà nước đã ban hành 2 phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đó là thu 2% trên giá bán hoặc 25% trên lợi nhuận. Thế nhưng, không rõ lý do gì, ngành thuế bỏ phương pháp tính thuế trên lợi nhuận, chỉ giữ lại một phương pháp tính thuế là 2% trên giá sang nhượng. Quy định này chệch với thuế thu nhập cá nhân, bởi một số bất động sản bán lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế 2% - trong khi bản chất của thuế thu nhập cá nhân là phải có lợi nhuận mới phải nộp thuế.
Ngoài ra, do ngành thuế chậm xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu khai báo thuế nên người ta “thoải mái” khai giá không trung thực. Giá sang nhượng 10 tỷ đồng, nhưng khai báo chỉ 1-2 tỷ đồng, để rồi số tiền trốn thuế trên thị trường lên đến mức “khủng”. Trong khi đó, nếu áp dụng một thời gian cách tính thuế 25% lợi nhuận, sẽ giúp nhà nước có dữ liệu khai báo thuế. Nhà nước đã có dữ liệu thì người mua sẽ không dám đồng ý ghi giá mua thấp trong hợp đồng bởi sau này nếu bán lại (có lãi) sẽ chịu thuế phần lãi rất lớn.
Thực tế cũng cho thấy nhiều “đại gia” thâu tóm bất động sản, nắm giữ nhiều đất đai, thậm chí để nhà đất hoang hóa, không đưa vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất, nhưng gần như vẫn chưa có chính sách thuế tác động đến các đối tượng này. Nhiều dự án hoang hóa, đất đã có quyền sử dụng nhưng không có nhu cầu sử dụng; nhiều chung cư xây xong nhưng “không sáng đèn” vì người mua chỉ để đầu cơ chứ không có nhu cầu ở… Còn đất nông nghiệp, nhiều thửa đất lớn để cỏ mọc năm này qua năm khác. Trong khi luật đã quy định rất rõ, với đất nông nghiệp, nếu không sử dụng trong một năm trở lên thì sẽ bị phạt tiền.
Nếu các nước khác đã có chính sách tính thuế trên bất động sản thứ hai thì thiết nghĩ ở nước ta cũng nên xem xét áp dụng. Điều này sẽ đảm bảo công bằng cho mọi người dân được quyền có một bất động sản để an cư. Ngược lại, những người có bất động sản tăng thêm (nắm giữ thửa đất thứ hai trở lên) phải tính thuế tài sản, để đảm bảo người đó không được tích trữ, găm hàng, gây hoang phí tài nguyên quốc gia - bởi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đất đai không được sử dụng sẽ không mang lại giá trị gia tăng cho đất nước.
Chính vì vậy phải chú trọng hơn nữa đến mức độ công bằng thuế, giải quyết tận gốc vấn đề trốn tránh thuế. Nếu để “lọt” những con “cá khủng” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản mà tập trung khai thác thuế những đối tượng như tài xế xe ôm, người giữ xe, thì sẽ gây bức xúc trong xã hội; thậm chí gây nghi ngờ về lợi ích nhóm trong việc thiết lập chính sách.