
Thực tế, gian lận, tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không phải là vụ việc bộc phát đầu tiên của ngành giáo dục, mà đã xảy ra nhiều năm qua. Có thể kể đến vụ thỏa thuận nâng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2011, môn Ngữ văn của 11 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL; vụ gian lận thi cử ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 và những tiêu cực trong quá trình dạy và học như nâng điểm cho học sinh, làm đẹp học bạ…
Với những gì đã diễn ra trong suốt thời gian qua, với những gì vỡ bung sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, càng cảm nhận rõ ràng “bóng tối của sự gian dối đã bao trùm lên giáo dục nước nhà, hủy diệt mọi thành tích của giáo dục và để lại cho dân chúng nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận“.
Không đau sao được khi có tới 3 giám đốc ngành giáo dục và đào tạo (Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình) dối trá một cách trơ trẽn về kết quả thi của tỉnh mình, khi hàng loạt lãnh đạo và cán bộ phòng, ban tham gia hội đồng thi phải ngồi tù chờ ngày xử án… Bóng tối của sự dối trá đã che phủ những gì gọi là cao quý nhất, thuần khiết nhất đáng lẽ giáo dục phải có.
Sự gian lận, giả dối còn có thể thấy trong hàng ngũ lãnh đạo chối bỏ trách nhiệm mỗi khi xảy ra sự cố, trong những ngôn từ sáo rỗng kèm theo những lời hứa “nhận trách nhiệm” nhưng không bao giờ từ chức. Đó là, khi người dân phẫn nộ đòi phải công khai danh tính những kẻ gian lận, phải xử lý tận gốc bọn buôn bán giáo dục, đâu đó vẫn còn những tiếng nói hà hơi tiếp sức cho bọn “gian giáo”, khi viện dẫn luật này, điều nọ về nhân thân bọn trộm cướp này nhằm trì hoãn xử lý.
Khi giáo dục trở thành nơi mua bán điểm, bằng cấp, học hàm, học vị, công trình khoa học, chính nó đã trở thành nguyên nhân hủy diệt mọi cố gắng của bao thế hệ người Việt đã hy sinh cuộc đời và máu xương với hy vọng dân tộc có một tương lai tươi sáng.
Không hề khập khiễng khi coi những gian lận trong thi cử là tham nhũng trong giáo dục. Nhất là khi những kẻ bị khởi tố, tạm giam của Sơn La đã khai rằng giá của 1 trường hợp được nâng điểm là 1 tỷ đồng. Có thể nói, tham nhũng trong giáo dục là dạng tham nhũng tệ hại nhất, xấu xa nhất, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ, đội ngũ lãnh đạo đất nước sau này.
Tham nhũng trong giáo dục làm trầm trọng thêm sự bất công về hưởng thụ thành quả tăng trưởng kinh tế khi người nhiều tiền có thể mua được mọi thứ, còn người nghèo bị cướp mất cơ hội học tập, cũng có nghĩa là cướp mất tương lai, hy vọng khi họ đã cố gắng sống một cách trung thực.
Nếu không xem các vụ tham nhũng trong giáo dục là những vụ án trọng điểm, nếu chỉ quan tâm đến kinh tế mà xem nhẹ giáo dục, không thể xây dựng được Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Chừng nào ngành giáo dục còn bị lãnh đạo bởi những giám đốc, phó giám đốc sở như ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, hoặc một số người luôn sẵn sàng “nhận trách nhiệm” rồi để đấy, chừng đó học sinh sẽ chỉ được dạy dỗ để trở thành bầy cừu, chứ không phải những con người tự tin, sáng tạo, đủ năng lực làm chủ cuộc đời mình.
Những gian lận, tiêu cực trong thi cử kéo dài trong thời gian qua, mà đỉnh điểm là vụ gian lận trong chấm thi THPT quốc gia năm 2018, đã khiến niềm tin của xã hội và học sinh đối với giáo dục bị giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may. Chính từ sự việc đau xót này để chúng ta kiên quyết xử lý, cắt bỏ những ung nhọt âm ỉ bấy lâu để lành mạnh hóa giáo dục. Tức phải chặt cả cây khi gốc của nó đã mục rỗng.