Vậy xu hướng startup trong giai đoạn sắp tới sẽ như thế nào? ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với ông NGUYỄN KINH QUỐC, Nhà sáng lập (founder) kiêm Giám đốc điều hành Công ty QAS, một trong số rất ít công ty startup trong lĩnh vực phần mềm giải pháp y tế.
PHÓNG VIÊN: - Với kinh nghiệm của mình, theo ông đâu là yếu tố cốt lõi để một công ty startup tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay?
Ông NGUYỄN KINH QUỐC: - Bản chất của startup là sáng tạo. Vì vậy sẽ khó có một “mẫu số chung” cho sự tồn tại và phát triển. Tôi muốn đề cập đến một yếu tố nữa, đó là sự kiên định. Vào năm 2013, sau khi QAS được thành lập, chúng tôi phải mất khoảng 2 năm chỉ để nghiên cứu và phát triển (R&D).
Cũng trong khoảng thời gian 10 năm trước, bắt đầu xuất hiện những mô hình startup “hot” như: gọi xe, giao thức ăn, fintech… Trong khi đó, ngành y tế có rất nhiều tiềm năng ở nhiều khía cạnh, nhưng thâm nhập vào ngành chưa bao giờ là đơn giản nên ít được quan tâm.
Trong giai đoạn gian nan đó, ý nghĩ chuyển ngành, chuyển đổi mô hình vẫn thường xuyên xuất hiện, nhưng tôi cũng phải tự nhắc mình về tầm nhìn ban đầu khi thành lập doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm quản lý y tế “made in Vietnam”.
Chính sự kiên định này tạo ra niềm tin cho các đối tác của các công ty startup. Bởi vì nếu họ có niềm tin rằng mình có thể tồn tại và lớn mạnh thì họ mới chọn mình. Nói tóm lại, sản phẩm mới, lạ là rất quan trọng cho startup, nhưng kiên định cũng quan trọng không kém.
- Ông lý giải thế nào với nhiều dự án startup đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành công nhất định, thậm chí được ví là “kỳ lân” nhưng cuối cùng vẫn không đi đến đích hoặc thất bại?
- Tôi xin nhắc lại bản chất của startup là phải mới lạ, đột phá, mà như vậy thường phải đi kèm với rủi ro. Thế nên thất bại nếu xảy ra là một phần của cuộc chơi, dù ở quy mô nào. Những khía cạnh hào nhoáng của startup thường được đề cập, nhưng với tôi và một số anh em bạn bè làm startup thường chỉ mô tả bằng 1 hoặc 2 từ là “cực” hoặc “rất cực”.
Chúng ta thấy một công ty đã lớn mạnh, vẫn có thể đối mặt với những thách thức, chẳng hạn như đi tìm động lực tăng trưởng. Với công ty startup thì áp lực này còn lớn hơn rất nhiều.
Do luôn phải hướng đến việc tăng trưởng, mở rộng quy mô, thị phần nên công ty startup thường rơi vào trạng thái “thiếu trước, hụt sau”, mà tình trạng này có thể kéo dài rất nhiều năm. Cũng vì tình trạng này, các doanh nghiệp startup dù có là dân kỹ thuật, cũng phải tìm hiểu về tài chính, huy động vốn, quan hệ nhà đầu tư… Không chỉ biết sơ qua mà phải biết sâu, bởi vì mình không làm thì không đủ kinh phí để thuê người làm. Rồi khi startup hoạt động hiệu quả công ty được định giá cao.
Tuy nhiên, chỉ khi nào có thể bán được cổ phần, huy động vốn theo từng giai đoạn phát triển thì mới dễ thở một chút. Một khi bán được cổ phần, các founder mới hiện thực hóa được lợi nhuận cho khoản đầu tư ban đầu của mình, đồng thời huy động được thêm nguồn lực cho startup phát triển. Trường hợp không huy động được vốn, founder có thể cảm thấy căng thẳng, công ty thiếu nguồn lực và đối mặt với nhiều rủi ro.
- Vậy ông dự báo lĩnh vực startup trong thời gian tới sẽ như thế nào và ngành nghề nào sẽ thích hợp với startup?
- Startup gắn liền với sự tăng trưởng, mà muốn tăng trưởng phải sáng tạo. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, sự sáng tạo phải gắn với những thị trường, những lĩnh vực có quy mô đủ lớn, có tiềm năng tăng trưởng như công nghệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử.
Theo tôi, các startup trong thời gian tới nhìn chung sẽ có nhiều thách thức hơn vì tính chọn lọc cao hơn, nhưng sẽ có nhiều thuận lợi. Như vậy, các startup độc đáo hoàn toàn có cơ hội đột phá trong thời gian ngắn, nhưng ngược lại, những startup không hiệu quả sẽ bị thanh lọc nhanh chóng.
Với những startup đã và đang phát triển thì thách thức sẽ nằm ở chiến lược, mà mục tiêu cuối cùng vẫn là tăng trưởng hoặc tìm được động lực cho sự tăng trưởng. Về lý thuyết, các startup sau khi hoàn thành hạng mục hay sản phẩm thứ nhất, sẽ phải đầu tư cho R&D để có hạng mục hay sản phẩm thứ hai.
Thế nhưng, thực tế hiện nay các thành quả này sẽ phải có sự kết nối với nhau để tối giản hóa chi phí của startup và cả các đối tác. Nghĩa là các startup phải tăng trưởng, nhưng tăng trưởng cũng phải sinh ra cả hiệu quả, thay vì “đốt tiền” cho tăng trưởng, vì startup luôn ở cảnh thiếu trước hụt sau dù quy mô có lớn chăng nữa.
Sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển các phần mềm, giải pháp cho các phòng khám, hiện nay QAS nghiên cứu và chuẩn bị đưa ra thị trường ứng dụng (app) nhận kết quả khám chữa bệnh, tức là phục vụ cho bệnh nhân hay những người sử dụng dịch vụ y tế.
Thực tế hiện nay, có khi đi khám chữa bệnh tại vài cơ sở có khi phải tải về vài app và tất nhiên sẽ không thuận tiện. Mục tiêu của QAS là chúng tôi hướng đến các phòng khám cùng sử dụng, để bệnh nhân dù khám ở đâu thì kết quả cũng chỉ trả về trên một app. Ứng dụng này vừa tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả đối tác cũng như các bệnh nhân.
Nhưng muốn đạt được điều này, app do QAS triển khai phải chứng tỏ được chức năng nổi trội để các phòng khám cũng như mọi người sẵn sàng sử dụng. Từ thực tế này, chúng tôi nhận ra thêm yếu tố có thể quyết định đến sự sinh tồn và phát triển của startup trong thời gian tới đó là tốc độ.
Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nhanh, và nhu cầu của người tiêu dùng nhìn chung cũng thay đổi liên tục, nên doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt, tinh chỉnh sản phẩm một cách tối ưu nhất với số đông sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông.
Bản chất của startup là sáng tạo, vì vậy sẽ khó có một “mẫu số chung” cho sự tồn tại và phát triển. Bản chất của startup là phải mới lạ, đột phá, mà như vậy thường phải đi kèm với rủi ro. Thế nên thất bại nếu xảy ra là một phần của cuộc chơi, dù ở quy mô nào.