Vì vậy, sự sụp đổ nhanh chóng của SVB đã gây choáng váng cho cộng đồng đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.
Mạnh thường quân
“Với việc SVB về bản chất là Bố già của hệ sinh thái ngân hàng Thung lũng Silicon trong vài thập kỷ qua trong thế giới công nghệ, chúng tôi tin rằng tác động tiêu cực của sự sụp đổ lịch sử này sẽ có vô số tác động đối với thế giới công nghệ trong tương lai” - Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, nhận xét.
Vào năm 2021, thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng bùng nổ đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân, SVB đã nhận được rất nhiều tiền. Các công ty nhận được khoản đầu tư lớn hơn bao giờ hết từ các quỹ mạo hiểm đã đổ tiền vào ngân hàng này, nơi chứng kiến tiền gửi của họ tăng từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD, khiến ngân hàng ngập trong “thanh khoản dư thừa”.
SVB rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghệ, không chỉ ở Mỹ, còn ở châu Âu và cả Trung Quốc. Nó có mối liên hệ mật thiết với thế giới công nghệ, khi cung cấp các dịch vụ ngân hàng như hạn mức tín dụng cho các công ty khởi nghiệp.
Sự sụp đổ của SVB diễn ra vào thời điểm vốn đã khó khăn đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp. Đó là các công ty khởi nghiệp đã phải thắt lưng buộc bụng, còn các gã khổng lồ công nghệ cắt giảm hàng chục ngàn công nhân để giảm chi phí. Trong môi trường như vậy, SVB đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hạn mức tín dụng hoặc các công cụ khác, giúp các công ty khởi nghiệp trả lương cho nhân viên, vượt qua giai đoạn khó khăn.
“SBV rất quan trọng trong lĩnh vực này, họ không chỉ cung cấp dịch vụ trả lương, các khoản vay cho những người sáng lập, còn cung cấp các hạn mức tín dụng. Thế nhưng điều đó đã bốc hơi chỉ sau 1 đêm và không có nhà cho vay nào khác thế chỗ” - Matt Higgins, CEO của RSE Ventures, nói.
Matt Higginscho rằng việc SVB sụp đổ sẽ khiến các công ty khởi nghiệp phải thay đổi, thậm chí có thể phải bán hoặc đóng cửa.
Hussein Kanji, đồng sáng lập Hoxton Ventures có trụ sở tại London, cho biết trong 3 năm tới sẽ có nhiều cuộc tái cơ cấu hơn tại các công ty khởi nghiệp. Trong khi đó, Ives của Wedbush nói có thể có nhiều sự sụp đổ các công ty khởi nghiệp công nghệ yếu kém.
Xuyên phá ngành công nghệ
Sự sụp đổ đột ngột của SVB đã gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới công nghệ, khiến các công ty khởi nghiệp công nghệ phải tranh nhau trả lương trong tháng này. Dự báo nó có thể kéo theo làn sóng sa thải rộng rãi trong ngành công nghệ.
Người sáng lập công ty khởi nghiệp Brad Hargreaves cho biết, một số công ty có thể không trả được lương vào tuần tới. Gần một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi các liên doanh của Mỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2022 là khách hàng của SVB, khiến nhiều người lo lắng về hậu quả từ sự sụp đổ của ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ vốn đã bị vùi dập, cũng như đã chứng kiến sự sa thải hàng loạt trong những tháng gần đây.
Garry Tan, người đứng đầu vườn ươm nổi tiếng Y Combinator, viết trong một tweet rằng "nạn nhân thực sự của sự sụp đổ SVB là những người gửi tiền: các công ty khởi nghiệp có 10-100 nhân viên, những người không thể trả lương và sẽ phải cho công nhân nghỉ việc hoặc đóng cửa ngay sau thứ Hai ngày 13-3".
Ông cũng cảnh báo những năm đổi mới của nước Mỹ đang ở bên bờ vực thẳm, vì toàn bộ "thế hệ công ty khởi nghiệp của Mỹ" có thể bị phá hủy trong 1 hoặc 2 tháng. Nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ Bill Ackman đã đưa ra cảnh báo tương tự trên Twitter, rằng sự sụp đổ của SVB "có thể phá hủy động lực dài hạn quan trọng của nền kinh tế".
Các công ty không giao dịch ngân hàng với SVB cũng bị vạ lây, nếu họ sử dụng các nhà cung cấp bảng lương có hỗ trợ từ ngân hàng này. “Không chỉ thống trị trong lĩnh vực công nghệ, SVB còn hòa nhập một cách đáng kinh ngạc vào cuộc sống của nhiều người sáng lập.
Không chỉ là ngân hàng và người cho vay khởi nghiệp của họ, SVB còn cung cấp các khoản thế chấp cá nhân và các dịch vụ tài chính khác. Và bất kỳ số dư không được bảo hiểm nào tại SVB (số dư trên 250.000USD) đều gặp nguy hiểm” - một nhà phân tích viết.
Đi tìm người mua
Việc Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản SVB vào ngày 10-3, đã khiến các công ty mạo hiểm và các công ty trong danh mục đầu tư của họ bất ngờ. Theo FDIC, các khoản tiền gửi được bảo hiểm lên tới 250.000USD được giữ tại SVB sẽ được bảo vệ.
Trong khi đó, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được “cổ tức” với số tiền không xác định vào tuần này và “giấy chứng nhận nhận tiền cho số tiền còn lại của số tiền không được bảo hiểm của họ”. Khi tài sản của ngân hàng được bán, “các khoản thanh toán cổ tức trong tương lai có thể được thực hiện cho những người gửi tiền không được bảo hiểm” - FDIC cho biết.
Bất chấp bước ngoặt gây sốc hôm 10-3, nhiều người đã tìm kiếm những gì sắp tới cho ngân hàng 40 tuổi này. Bloomer nói: “Họ có công việc kinh doanh tuyệt vời. Đây chỉ là hoạt động ngân hàng truyền thống. Điều này không giống như cuộc khủng hoảng năm 2008. Thực sự không có tài sản độc hại nào”. Zack Ellison, người sáng lập Quỹ Cơ hội nợ mạo hiểm trí thông minh thực tế ứng dụng, nói có khả năng sẽ có người mua và điều đó sẽ xảy ra nhanh chóng.
Hiện các nhà chức trách đang tìm người mua lại SVB. Danh sách khách hàng của SVB bao gồm một số công ty liên doanh nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, từ Sequoia Capital đến Kleiner Perkins và Accel. Ellison cho biết JP Morgan sẽ là người mua hợp lý do bảng cân đối kế toán của công ty này và mong muốn thu được nhiều hơn từ hoạt động cho vay mạo hiểm.
Ông nói thêm, những người mua khác có thể là Citi hoặc Wells Fargo, vì cả 2 cũng đã cố gắng tăng sự hiện diện của khoản nợ mạo hiểm. Ông nói: “Sẽ có người mua SVB. Họ có quyền truy cập vào các mối quan hệ trong Thung lũng Silicon mà nhiều ngân hàng coi như những viên ngọc quý”.
SVB sụp đổ sẽ khiến các công ty khởi nghiệp công nghệ phải thay đổi, thậm chí có thể phải bán hoặc đóng cửa.