Trong một thông báo chính thức trên trang thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ vào thứ Hai, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, quyết định này là một nỗ lực nhằm duy trì luật pháp quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động "bất hợp pháp" của Trung Quốc ở biển Đông.
"Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng," tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ.
Washington cho biết sẽ ủng hộ các đồng minh và đối tác ở khu vực trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của những nước này đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các nước theo luật pháp quốc tế.
"Ở Biển Đông, chúng tôi tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên biển theo luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi nỗ lực sử dụng sự cưỡng chế hoặc ép buộc để giải quyết tranh chấp", tuyên bố nêu.
Tuyên bố cũng khẳng định: "Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình đối với khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra một cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách của mình về [cái gọi là] "đường chín đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trong một quyết định thống nhất vào ngày 12//7/2016, Tòa án Trọng tài được thành lập theo Luật Công ước Biển 1982 - mà Bắc Kinh là một quốc gia thành viên - đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của nước này, coi đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế".
Theo truyền thông, tuyên bố chính thức này được đưa ra vào thời điểm bốn năm và một ngày sau phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague. Trước đó, sau khi phán quyết được đưa ra, Mỹ kêu gọi các bên liên quan tôn trọng và giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.