Ngày 19/7, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Janet Yellen đã có cuộc gặp trực tuyến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và hai bên đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ.
Về sự kiện trên, thông tin vừa được Wall Street Journal đăng tải cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có tuyên bố chung, trong đó khẳng định mục tiêu của khung chính sách tiền tệ là đẩy mạnh ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, phía Việt Nam đã cung cấp đầy đủ thông tin cho Bộ Tài chính Mỹ phục vụ cho công tác tìm hiểu và phân tích về hoạt động trên thị trường ngoại hối của Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho báo cáo thường kỳ của Bộ Tài chính Mỹ lên Quốc hội nước này.
Trong tuyên bố của mình, bà Janet Yellen nhấn mạnh: “Tôi tin việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm sát sao đến vấn đề này trong thời gian qua không chỉ giúp giải quyết cho những lo lắng của Bộ Tài chính Mỹ mà còn giúp củng cố cho sự phát triển của các thị trường tài chính Việt Nam, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và vững vàng tài chính”.
Cũng trong tuyên bố chung vào ngày thứ Hai, bà Yellen và bà Hồng khẳng định Mỹ và Việt Nam là đối tác thương mại đáng tin cậy, mối quan hệ được dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và khẳng định họ cùng cam kết sẽ duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách của hai nước.
Gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam có nhiều điểm sáng khi mà phía cộng đồng doanh nghiệp Mỹ dành nhiều sự quan tâm đến Việt Nam. Cách đây không lâu, các tổ chức kinh doanh lớn của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ thực phẩm cho đến thời trang đang kêu gọi Đại diện Thương mại Mỹ không áp thuế trong các tranh chấp thương mại với Việt Nam.
Theo Bloomberg, 76 nhóm kinh doanh bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Bán lẻ Mỹ và Hiệp hội Internet Mỹ (có những thành viên như Amazon, Alphabet sở hữu Goolgle) trong ngày thứ Tư đã viết thư gửi lên Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, trong đó có nội dung nhấn mạnh như sau: “Nếu chính quyền có những lo lắng về mối quan hệ thương mại với Việt Nam, thì cần đến một yếu tố, đó chính là không thêm các biện pháp thuế quan”.
Trong thời gian qua, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã điều tra hoạt động nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam vào Mỹ, trong khi đó phía Mỹ đang cân nhắc liệu có áp thuế do những mối lo ngại về tỷ giá.
Tháng 1/2021, USTR đã có phán quyết bất lợi về chính sách tỷ giá của Việt Nam, dọn đường cho việc áp thuế theo mục 301 Luật Thương mại Mỹ năm 1974. Mỹ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan đến việc này trước tháng 10/2021.
Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp hai lần trong 5 năm qua. Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ.
Theo quan điểm của các nhóm kinh doanh nói trên, hiện không có đủ bằng chứng cho thấy Việt Nam có tham gia vào các hoạt động không phù hợp trong các lĩnh vực trên, và rằng việc đánh thuế thêm với hàng hóa Việt Nam sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng.
Đại diện nhóm kinh doanh nói trên nhấn mạnh Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn thay thế đáng tin cậy thay thế cho Trung Quốc trong những năm gần đây, hàng nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các nhà sản xuất Mỹ và việc đánh thuế với các sản phẩm này cũng sẽ làm giảm đi khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ.