Chiến thắng của các trường đại học
Theo thông báo, Chính phủ Mỹ cùng 2 trường là Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tìm được giải pháp, cụ thể là đảo ngược quyết định mới đây về thị thực đối với sinh viên nước ngoài cũng như khôi phục lại trạng thái như trước đó. Đây cũng được coi là chiến thắng của các trường đại học ở Mỹ sau một tuần phản đối quyết định trên của chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, một quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn dự định sẽ ban hành quy định liên quan tới việc liệu sinh viên nước ngoài có thể ở lại Mỹ hay không nếu họ chuyển sang học trực tuyến.
Trường Đại học Harvard
Thời gian qua, do lo ngại có thể trở thành những ổ dịch Covid-19, nhiều trường đại học tại Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, từ đeo khẩu trang trong phòng học đến hạn chế các hoạt động xã hội nhằm giảm số sinh viên đến trường. Nhiều trường đã thông báo hình thức học hỗn hợp, cho phép các lớp học trực tiếp bên cạnh một lượng lớn tín chỉ được học qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cơ quan Hải quan và Thị thực Di trú Mỹ (ICE) đã ra quyết định vô hiệu hóa thị thực F-1 và M-1 của sinh viên nước ngoài nếu cơ sở giáo dục họ được đăng ký chuyển sang các khóa học trực tuyến, theo đó có thể tước đi tư cách pháp lý của các sinh viên này khi ở lại Mỹ.
Quy định mới được dự báo có thể làm giảm mạnh số sinh viên quốc tế đăng ký khóa học mùa thu tới. Cùng với việc trì hoãn cấp thị thực do dịch bệnh, quy định này sẽ làm nản chí các sinh viên nước ngoài dự định học tại Mỹ, ảnh hưởng đến các sinh viên nước ngoài thuộc diện F-1 (theo học nghiên cứu, học thuật) và M-1 (theo học nghề) học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Theo thống kê, trong tài khóa 2019, Mỹ đã cấp 388.839 thị thực F và 9.518 thị thực M. Từ lúc quy định mới được đưa ra, hàng chục trường đại học, trong đó có Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và 17 bang của Mỹ đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump.
Đẩy mạnh học trực tuyến
Theo Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong năm học 2018-2019, số sinh viên quốc tế tại Mỹ là hơn 1 triệu người, chiếm 5,5% sinh viên đại học ở Mỹ. Trong năm 2018, lực lượng này đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada là những nước có sinh viên học tại Mỹ đông đảo nhất.
Trong khi đó, trước bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 đang tăng lên tại không ít khu vực của nước Mỹ, nhiều trường học tại các bang đã quyết định tổ chức học trực tuyến thay vì để học sinh quay lại trường khi năm học mới sẽ diễn ra trong vài tuần nữa.
Đại học Harvard là một trong những trường có kế hoạch sẽ chuyển toàn bộ các lớp học sang dạy trực tuyến vào năm tới. Các trường học tại thành phố Milwaukee của bang Wisconsin, bang Texas, thành phố Los Angeles và San Diego của bang California đã thông báo kế hoạch nhằm hạn chế tiếp xúc gần giữa học sinh và giáo viên trong các lớp học. Các trường tại Los Angeles và San Diego thông báo sẽ chỉ mở lại một cách an toàn khi số ca nhiễm giảm và nhu cầu xét nghiệm được đáp ứng. Quyết định này đi ngược với mong muốn mở cửa lại các trường học của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong cuộc thăm dò do Axios-Ipsos Coronavirus Index tiến hành từ ngày 10 đến 13-7, có tới 71% phụ huynh nói rằng việc cho con đi học trở lại là một rủi ro đối với sức khỏe của cả gia đình họ. Tương tự, 51% phụ huynh nói rằng họ rất lo lắng về việc gửi con đi học trong những tháng tới, trong khi 23% nói rằng họ có chút lo lắng. Chỉ 14% phụ huynh khẳng định họ không thực sự quan tâm.