Theo thỏa thuận được công bố hôm thứ Hai (7/2), Washington sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan mới, đình chỉ thuế đối với các lô hàng thép của Nhật Bản lên tới 1,25 triệu tấn một năm - mức nhập khẩu trung bình trong năm 2018 và 2019 - bắt đầu từ ngày 1/4/2022.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố: “Thông báo hôm nay được xây dựng dựa trên thỏa thuận mà chúng tôi đã đạt được với EU và sẽ giúp chúng tôi xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh trên toàn thế giới khi chúng tôi nỗ lực đấu tranh chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc”.
Chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế bổ sung 25% đối với thép và 10% thuế quan đối với nhôm từ các thị trường như Nhật Bản và Liên minh châu Âu theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, cho phép tổng thống hạn chế các lô hàng được coi là gây lo ngại về an ninh quốc gia.
Xuất khẩu thép của Nhật Bản sang Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 720.000 tấn vào năm 2020 từ khoảng 1,73 triệu tấn vào năm 2017, trước khi các mức thuế bổ sung được áp dụng.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda và bà Raimondo đã đồng ý giải quyết nhanh chóng vấn đề trong một cuộc họp vào tháng 11/2021.
Hiện tại, không có hạn ngạch miễn thuế mới nào sẽ được áp dụng cho các lô hàng nhôm. Các biện pháp miễn trừ đối với một số mặt hàng nhập khẩu thép và nhôm không có sẵn các lựa chọn thay thế do Mỹ sản xuất sẽ vẫn được áp dụng. Nhiều sản phẩm nhôm của Nhật Bản đã được hưởng lợi từ khuôn khổ này.
Hai bên dự kiếnsẽ tiếp tục thảo luận về các khoản thuế còn lại, trong đó Nhật Bản thúc giục Hoa Kỳ hủy bỏ hoàn toàn thuế quan từ thời Trump đối với cả thép và nhôm.
Nhưng có sự phản đối ở Hoa Kỳ chống lại việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế nhập khẩu. Washington đã thúc đẩy một thỏa thuận một phần với Tokyo vào thời điểm này, một phần có thể là để tránh đưa ra thông báo ngay trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào mùa thu.
Vào tháng 10/2021, Mỹ cũng đã đồng ý đưa ra hạn ngạch thuế quan cho EU, có hiệu lực vào tháng 1/2022. Theo đó, các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu dưới thời chính quyền tiền nhiệm sẽ vẫn giữ nguyên, nhưng chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thép và nhôm vượt quá hạn ngạch quy định.
Để được miễn thuế, các mặt hàng nhôm và thép phải được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ các nước thành viên EU. Đổi lại, EU rút quyết định áp mức thuế 50% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ, trong đó có xe máy Harley Davidson, rượu whiskey, ... Nhật Bản hy vọng cũng có thể đạt được thỏa thuận như Mỹ và EU đã làm.
Mỹ cũng đã đồng ý với Vương quốc Anh vào tháng trước để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề thương mại.