Cụ thể, Washington dự định chuẩn bị tốt hơn cho lực lượng quân đội đối với các nhiệm vụ dài ngày trong điều kiện cực kỳ lạnh giá ở Bắc Cực.
Ngoài ra, Lục quân Mỹ cũng có ý định đầu tư mạnh mẽ vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của binh lính đóng quân tại Alaska.
Mỹ sẽ tích cực tuần tra lãnh thổ ngoài khơi xa biển Nga ở Bắc Cực nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Những kế hoạch này bổ sung cho chiến lược Bắc Cực mở rộng của Bộ Quốc phòng Mỹ được phát hành trong tài liệu vào năm 2019 và cho thấy một tương lai mà Mỹ sẽ phải đối mặt với các cường quốc đầy tham vọng như Nga và Trung Quốc, vốn coi Bắc Cực là khu vực quan trọng đối với các mục tiêu kinh tế và an ninh quốc gia lâu dài.
“Trong khi hầu hết các quốc gia xung quanh Bắc Cực là đồng minh của Mỹ, thì các cường quốc là đối thủ của Mỹ - Nga và Trung Quốc, đã phát triển các chiến lược Bắc Cực với các mục tiêu địa chính trị đi ngược lại lợi ích của Washington”, tài liệu cho biết.
Washington Times nhận định, Nga tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền và kiểm soát quyền tiếp cận khu vực. Trung Quốc tìm cách tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và các tuyến đường biển để đảm bảo và duy trì sự phát triển quân sự, kinh tế - khoa học.
Tài liệu cũng chỉ ra rằng việc mở rộng sự hiện diện thực tế của Trung Quốc ở Bắc Cực, kết hợp với tham vọng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Nga ở khu vực này, chứng tỏ rõ ràng rằng cả hai nước đều có kế hoạch chiến lược dài hạn tại đây.
Theo Washington Times, Nga là thành viên của Hội đồng Bắc Cực, gồm 8 quốc gia, trong khi Trung Quốc chỉ có tư cách quan sát viên trong tổ chức này. Trong khi Mỹ bác bỏ các yêu sách về lãnh thổ và kinh tế của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Với nguồn lợi khoáng sản lớn nằm sâu dưới lớp băng vĩnh cửu đang tan dần, nhiều quốc gia đang muốn khẳng định chủ quyền tạiBắc Cực.(Ảnh: Reuters) |
Lực lượng mặt đất Mỹ đã vạch ra một danh sách các ưu tiên chính sẽ giúp Mỹ giành lại lợi thế ở Bắc Cực. Đặc biệt, lực lượng này được lên kế hoạch để “tạo ra các quân đoàn ở Bắc Cực, sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc hành quân lâu dài ở nhiệt độ cực thấp, trên địa hình nhiều tuyết và núi”.
Ngoài ra, lực lượng mặt đất Mỹ sẽ đầu tư vào việc phát triển quần áo và hệ thống y tế mới cần thiết để tiến hành các hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực, cũng như phát triển các thiết bị quân sự hạng nặng có thể hoạt động tốt hơn trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Đồng thời, tài liệu cũng cung cấp sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh ở Bắc Cực và sự phụ thuộc rộng rãi hơn vào “kiến thức của người bản địa”, có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về địa hình và động vật hoang dã trong khu vực.
Trước sự ảnh hưởng của Nga ở Bắc Cực vào đầu tháng 1 năm nay, Hải quân Mỹ cho biết đã bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên ngoài khơi bờ biển Nga ở Bắc Cực. Theo Washington, động thái này là nhằm ngăn chặn việc Nga củng cố các vị trí ở Bắc Cực.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lên tiếng về việc tàu chiến Mỹ tăng cường hiện diện ở Bắc Cực. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, tình hình quân sự - chính trị trong khu vực hiện đã trở nên phức tạp do các quốc gia hàng đầu thế giới đang giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và giao thông vận tải.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nga hiện vẫn đang chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Bắc Cực với 77 tàu phá băng đang hoạt động, trong đó bao gồm 6 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dự kiến, số lượng tàu phá băng của Nga sẽ vượt qua con số 100 vào năm 2030, đặc biệt khi Moscow đưa tàu lớp Arktika mới có khả năng xuyên qua 3m băng đi vào hoạt động.