Mỹ - Trung: Cạnh tranh dai dẳng quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO) - Với vai trò dẫn dắt hiện tại của Mỹ đang bị thách thức mạnh mẽ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc trong việc định hình trật tự kinh tế thế giới. Và cuộc xung đột đa phương diện có tính hệ thống giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng nghĩa cuộc cạnh tranh dai dẳng về quyền lãnh đạo kinh tế thế giới.

Mỹ vẫn mạnh, song Trung Quốc trỗi dậy đáng kinh ngạc
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên nhiều thước đo như tổng thu nhập quốc nội (GDP) tính theo ngang giá sức mua (PPP), tổng giá trị giao dịch thương mại quốc tế hay lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Dự báo đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên mọi thước đo đánh giá (Bergsten, 2022). 
Trong khi đó Mỹ thực ra không suy giảm về mặt kinh tế, khi là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất so với các quốc gia thu nhập cao trải qua 3 thập niên sau Chiến tranh lạnh. Sự suy yếu của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu là khi so sánh tương quan với sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc.
Dù vậy, vai trò lãnh đạo hiện hữu của Mỹ đang được sự ủng hộ từ “liên minh” đầy quyền lực, bao gồm nhóm quốc gia có thu nhập cao trải rộng từ châu Âu, Đông Á - Thái Bình Dương cho đến các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhà kinh tế học và cố vấn chính trị người Mỹ Fred Bergsten, cho rằng mục tiêu chính sách cốt lõi của Mỹ là duy trì trật tự tự do cho nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, nhà khoa học chính trị người Mỹ Aaron Friedberg lại cho rằng điều đó là bất khả thi, khi Trung Quốc luôn tin rằng sự thù địch với phương Tây là không thể hóa giải và luôn hiện sinh cuộc đua tranh.
 Cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung nằm ở sự thiếu tin tưởng sâu sắc giữa 2 quốc gia, khi Mỹ tin rằng Trung Quốc muốn đẩy mình ra khỏi Đông Á và vai trò lãnh đạo thế giới. Trong khi Trung Quốc tin Mỹ đang cố kìm hãm đà bùng nổ của mình.
Thực tế sự vươn lên quá đỗi mạnh mẽ của Trung Quốc ở nhiều phương diện, có thể trở thành mối đe dọa vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ. Chính quyền Obama ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ lựa chọn chính sách “dính líu có đề phòng”, trong đó duy trì tương tác mở rộng kinh tế, nhưng đưa ra nhiều chính sách ràng buộc thương mại với Trung Quốc.
Những vấn đề nóng trong mối quan hệ giữa 2 nước liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quyền sở hữu công nghệ cao. Thời gian này Trung Quốc bắt đầu công bố các sáng kiến tham vọng như BRI và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), như một cách chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế dài hơi với Mỹ.
Chính quyền Trump tiếp nối với chính sách mang tính thù địch hơn, với ý tưởng có thể được xem là “thoát ly một phần” hay “tách rời có chọn lọc”. Và Mỹ chọn công cụ thuế quan gây áp lực lên nhiều hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc, đã đưa đến cuộc chiến thương mại.
Mỹ - Trung: Cạnh tranh dai dẳng quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu ảnh 1 Hình 1. Đóng góp của Mỹ và Trung Quốc trong GDP thế giới
Dù có nhiều quan điểm chính sách đối nghịch, chính quyền đương nhiệm Biden gần đây được cho tiếp nối định hướng “tách rời” của chính quyền tiền nhiệm, dù nỗ lực kéo chính sách song phương với Trung Quốc hướng về cạnh tranh chiến lược. Song mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn còn phức tạp trước các vấn đề địa chính trị mới, như xung đột Ukraine-Nga hay sáng kiến gần nhất của Mỹ về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPEF).

Cạnh tranh quyền lãnh đạo
Nhìn lại lịch sử từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc (từ 1992), nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia công nghiệp châu Âu và Nhật Bản trên phương diện tổng GDP và GDP đầu người, cũng như vượt trội về năng lực quân sự. Quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ nếu có giảm xuống, cũng bắt nguồn từ việc giảm sự sẵn lòng lãnh đạo hơn là do suy yếu về năng lực.
Sự suy giảm đó có sự góp phần bởi sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO tháng 1-2001. (Hình 1 cho thấy rõ điều này). GDP (tính theo PPP) của Trung Quốc đã tăng trưởng liên tục sau Chiến tranh lạnh để bắt kịp Mỹ vào năm 2016 (cùng đạt gần 18.700 tỷ USD), sau đó vượt qua Mỹ cho đến nay (số liệu ước tính GDP Trung Quốc đạt 27.200 tỷ USD và Mỹ đạt 23.000 tỷ USD trong năm 2021). 
Mỹ - Trung: Cạnh tranh dai dẳng quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu ảnh 2 Hình 2: Tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa (tỷ USD)
Điều lưu ý, trong khi Trung Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP luôn dương và nhiều năm ở mức cao 2 con số từ 1980 đến nay, thì Mỹ đã trải qua 2 lần tăng trưởng GDP âm vào 2009 và 2020 do tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch Covid-19.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trong 5 năm tới, khoảng cách về tăng trưởng GDP giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ càng nới rộng, dù hệ quả từ việc đóng cửa nền kinh tế xuất phát từ chiến lược zero-Covid hiện nay của Trung Quốc sẽ khiến tốc độ gia tăng có chậm xuống so với dự báo trước đây. 
Nếu như xem tỷ trọng GDP đóng góp cho nền kinh tế thế giới phản ánh vai trò dẫn dắt, thì vai trò đó của Mỹ (với ngưỡng 20% trước và sau Chiến tranh lạnh kết thúc) đã bắt đầu suy giảm liên tục từ 2001 cho đến khi nhích lên trở lại trong giai đoạn 2014-2016, cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama.
Sự gia tăng đó có vẻ được thúc đẩy từ sự bắt kịp của nền kinh tế Trung Quốc, vốn gia tăng đóng góp từ mức 2,3% năm 1980 đến mức hơn 7,5% năm 2001, và bắt kịp Mỹ với mức 16,1% năm 2016. Nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Trump từ năm 2017 dường như cố ngăn chặn đà trỗi dậy này, với việc khơi mào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ đầu năm 2018. Tuy vậy, về tầm quan trọng đóng góp GDP Trung Quốc đã vượt Mỹ từ đó đến nay. 
Cụ thể, về tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, sự so kè giữa 2 cường quốc trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống Obama, sau đó Trung Quốc đã bứt tốc vượt qua Mỹ kể từ nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Trong khi Mỹ vẫn luôn là quốc gia nhập khẩu ròng (tỷ trọng lớn thâm hụt song phương với Trung Quốc), Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu ròng lớn từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc.
Chiến tranh thương mại từ 2018 khởi xướng bởi chính quyền Trump, chỉ làm giảm mức độ thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc, nhưng không thể ngăn được Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu về giao dịch thương mại thế giới.
Mỹ - Trung: Cạnh tranh dai dẳng quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu ảnh 3 Hình 3: lạm phát (bên trái) và đầu tư hình thành vốn (bên phải)
Vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ cũng suy giảm nghiêm trọng khi sự tập trung đối phó Trung Quốc thông qua các chính sách bảo hộ bất chấp các quy tắc quốc tế, cũng đồng thời chống lại lợi ích các đồng minh khăng khít và các đối tác thương mại của Mỹ (bao gồm châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA).
Điều này thể hiện rõ ràng khi các quốc gia trên nhanh chóng rời xa vai trò đồng minh với Mỹ, hoặc quay lưng chỉ trích (Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không có sự tham gia của Mỹ, Hiệp định TPP tiến hành không cần Mỹ; châu Âu và Nhật Bản phản ứng với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ; Canada, Mexico và Hàn Quốc bác bỏ hầu hết đề xuất thay đổi các hiệp định thương mại tự do có lợi cho Mỹ; các tổ chức OECD và G7 cũng gia tăng chỉ trích Mỹ).
Kịch bản nào?
Liệu Mỹ có còn quan tâm và mong muốn duy trì vị thế, hay chấp nhận sự thay thế của Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian? Liệu Mỹ và Trung Quốc, với những chuẩn mực riêng mang tính đặc thù, có đứng về một bối cảnh hợp tác toàn cầu với phần còn lại của thế giới, từ đó chấp nhận chia sẻ vị thế lãnh đạo?
Dù Trung Quốc đến nay đã vượt trội Mỹ trong tỷ trọng GDP đóng góp vào nền kinh tế thế giới, song vị thế lãnh đạo thật sự vốn còn nhiều yếu tố ngoài vấn đề kinh tế có lẽ chưa thể nằm vào lòng bàn tay Trung Quốc trong tương lai gần. 
Thật vậy, “một rừng khó có hai cọp”, và quyền lãnh đạo chia sẻ giữa 2 cường quốc nếu có cũng khó duy trì thế bền vững. Xét về các điều kiện vĩ mô, Trung Quốc vẫn không ngừng chuẩn bị những tiền đề vững chắc để sẵn sàng nắm giữ vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc không ngừng gia tăng với tốc độ 7-10% từ sau khi gia nhập WTO (so với mức 1-2% của Mỹ), dù chững lại gần đây do tác động của đại dịch Covid-19 và dự kiến chậm lại trong những năm tới. 
Mỹ - Trung: Cạnh tranh dai dẳng quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu ảnh 4 Hình 4: Cán cân tài khoản vãng lai (% GDP toàn cầu) đến nay và dự báo đến 2027
Từ 2016, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp khá tương đồng ở 2 quốc gia dù GDP của Trung Quốc lớn hơn đáng kể giai đoạn này. Mức chi tiêu đầu tư vốn của Trung Quốc luôn gấp hơn 2 lần so với Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Khả năng kiểm soát lạm phát và thất nghiệp của Trung Quốc cũng tốt hơn Mỹ sau đại dịch và biến động địa chính trị Nga-Ukraine gần đây.
Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ ở mức 7,4% năm 2021 và dự kiến hơn 5% trong năm 2022, trong khi thất nghiệp năm 2021 ở Mỹ lên mức cao nhất kể từ sau 2012, hơn 8%.
Tầm ảnh hưởng về kinh tế thương mại của Trung Quốc là rõ rệt trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với nhóm các nước thu nhập thấp và trung bình, khi đóng vai trò là đối tác thương mại xuất khẩu đặc biệt lớn ở các nước này. Nhưng sự yếu đi về các yếu tố tài khóa và tiền tệ hiện nay của Trung Quốc khi thực hiện chính sách zero-Covid, đang ảnh hưởng nặng nề lên chuỗi cung hàng hóa đối với phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó Mỹ lại đang đối mặt với lượng thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng khi phải hỗ trợ lớn về chính sách tài khóa. Cùng với việc giá dầu 2021 tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị thế giới leo thang, Mỹ càng thâm hụt ròng và tạo ra thặng dư thương mại lớn cho các đối tác lớn như Trung Quốc.
Tuy nhiên, về mặt kinh tế Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo trong “liên minh bá quyền” gồm các quốc gia phát triển. Sự ủng hộ truyền thống từ nhóm này vẫn đủ để Mỹ giữ vai trò lãnh đạo thế giới trong những thập niên tới. Lợi thế đó có thể giúp Mỹ chia sẻ quyền lực lãnh đạo với Trung Quốc trong tương lai, hoặc vẫn duy trì quyền lãnh đạo đối nghịch với Trung Quốc. 
 Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên nhiều thước đo như tổng thu nhập quốc nội (GDP), tổng giá trị giao dịch thương mại quốc tế hay lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Trong khi đó Mỹ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất so với các quốc gia thu nhập cao trải qua 3 thập niên sau Chiến tranh lạnh. Sự suy yếu của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu là khi so sánh tương quan với sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc.

Các tin khác