Theo nhận định của báo chí 2 nước, vẫn còn sớm để nói về một kết quả khả quan nhưng xem ra, cả Mỹ và Trung Quốc đang cảm thấy cuộc chiến thương mại đã quá nặng nề.
Theo Reuters, các cuộc đàm phán vào ngày 19 và 20-9 tại Mỹ nhằm đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán cấp cao hơn vào đầu tháng 10, nơi mà cả 2 nước sẽ quyết định xem sẽ hướng tới một giải pháp hòa giải hay tiếp tục cuộc chiến với những mức thuế mới và cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau. Một phái đoàn gồm khoảng 30 quan chức Trung Quốc, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân dẫn đầu, bắt đầu các cuộc đàm phán vào sáng 19-9 (giờ địa phương) tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) gần Nhà Trắng. Phía Mỹ dự kiến do Phó USTR Jeffrey Gerrish dẫn đầu.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trong một cuộc đàm phán bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản tháng 6-2019
Các cuộc thảo luận có khả năng tập trung nhiều vào nông nghiệp, bao gồm cả yêu cầu phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc cần tăng đáng kể việc mua đậu nành và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ. Hai phiên đàm phán trong 2 ngày sẽ chủ yếu xoay quanh các vấn đề nông nghiệp, trong khi chỉ có một phiên thảo luận về các thay đổi cốt lõi nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ tại Trung Quốc và chấm dứt việc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Nông nghiệp được chú trọng vì Tổng thống Donald Trump rất mong muốn thêm cơ hội xuất khẩu cho nông dân Mỹ, một trong những thành phần chính trị quan trọng của ông. Họ đã bị vùi dập bởi thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với đậu nành và các mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, một thỏa thuận thương mại không bao gồm điều khoản về công nghệ sẽ không có giá trị đối với Bắc Kinh. Nếu thế, Trung Quốc chắc chắn sẽ tuyên bố không thể cam kết cải cách cơ cấu kinh tế và phía ngược lại, Mỹ cũng sẽ không nới lỏng cuộc chiến công nghệ.
Cần thêm nhiều thời gian
Để giảm bớt căng thẳng, tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã trì hoãn việc tăng thuế quan vào ngày 1-10 đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc cho đến giữa tháng, để đáp lại việc Trung Quốc đã hoãn thuế đối với một số loại thuốc trị ung thư, thành phần thức ăn chăn nuôi và chất bôi trơn của Mỹ. Bắc Kinh cũng đang tìm cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei, vốn đã bị cắt đứt phần lớn việc mua các sản phẩm công nghệ nhạy cảm của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại kéo dài 14 tháng đã làm náo loạn thị trường tài chính khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư lo lắng về sự sụp đổ kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia thương mại, giám đốc điều hành và quan chức chính phủ 2 nước nói rằng, ngay cả khi các cuộc đàm phán tháng 9 và tháng 10 tạo ra một thỏa thuận tạm thời bao gồm giảm cấm vận với Huawei, cuộc chiến này cũng đã trở thành một cuộc chiến chính trị, tư tưởng sâu sắc và có thể phải mất nhiều năm để giải quyết.
Jon Lieber, chuyên gia về dịch vụ thuế của PricewaterhouseCoopers, cho rằng, một thỏa thuận rất hẹp có thể đạt được vào tháng 10 nhưng rất ít khả năng để giải quyết những khác biệt cơ bản giữa 2 nước. Để giữ cho thị trường ổn định, đôi bên cũng có thể kết nối chuỗi các cuộc đàm phán trong một thời gian dài hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang có phần thận trọng khi không đẩy cuộc chiến xa hơn nữa vì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Ngược lại, giá thịt heo và nhiều mặt hàng thiết yếu tại Trung Quốc gia tăng gấp đôi đã kéo theo sự phẫn nộ của dân chúng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh cũng khiến Bắc Kinh lo ngại kịch bản leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo báo South China Morning Post, nợ công của Trung Quốc hiện đã đạt mức 300% GDP. Cuộc chiến thương mại rõ ràng đang phá vỡ các nỗ lực cải cách kinh tế của Trung Quốc.