Thế nhưng, nhà chức trách Trung Quốc nói rằng họ muốn chấm dứt áp lực chính trị đối với việc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Từ ngày 14-1, nhóm chuyên gia quốc tế điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 của WHO đến Trung Quốc khảo sát, cố gắng xác định nguồn gốc virus ở Vũ Hán.
Nhóm chuyên gia quốc tế đang tổ chức các hội nghị từ xa với các đối tác Trung Quốc trong thời gian cách ly hai tuần trước khi bắt đầu công việc. Trước đó, Mỹ - quốc gia cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng dịch Covid-19 thời gian đầu - đã kêu gọi một cuộc điều tra "minh bạch" do WHO đứng đầu và chỉ trích các điều khoản của chuyến khảo sát.
Trưởng phái đoàn Mỹ, ông Garrett Grigsby, cho biết Trung Quốc nên chia sẻ tất cả nghiên cứu khoa học về các mẫu động vật, con người và môi trường được lấy từ khu chợ ở Vũ Hán, nơi SARS-CoV-2 được cho là đã xuất hiện vào cuối năm 2019. Ông nói với ban điều hành của WHO rằng phân tích so sánh các dữ liệu như vậy sẽ giúp "tìm kiếm sự chồng chéo và các nguồn tiềm ẩn" đã làm bùng dịch Covid-19.
Phái đoàn của Úc cũng kêu gọi nhóm chuyên gia của WHO được tiếp cận "dữ liệu, thông tin liên quan và các địa điểm chính trong đợt bùng dịch đầu tiên". Đại diện Ủy ban y tế Trung Quốc khẳng định các nghiên cứu về nguồn gốc virus mang tính chất khoa học và cần sự phối hợp, hợp tác.
Trong ngày 18-1, một ủy ban độc lập cho biết quan chức Trung Quốc đã có thể hành động sớm hơn, áp dụng các biện pháp y tế cứng rắn hơn để hạn chế đợt bùng phát Covid-19 ban đầu, đồng thời chỉ trích WHO đợi đến ngày 30-1-2020 mới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu là quá trễ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lập Ủy ban Độc lập - do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đứng đầu - để đánh giá cách tổ chức này cũng như chính phủ các nước ứng phó đại dịch Covid-19. Theo Reuters, các chuyên gia đánh giá việc xử lý đại dịch toàn cầu đã kêu gọi cải tổ WHO.