Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, trước hết cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, kiên quyết không lùi bước trước thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển; kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra….
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, chiều 8/1, tại Hà Nội.
Hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững
Năm 2021 là năm có nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện chiến lược 10 năm và 5 năm kế hoạch theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Khó khăn, thách thức luôn đi kèm với những cơ hội rộng mở. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu COVID-19,” 13 Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất.
“Với tư cách là một cơ quan tổng tham mưu trưởng, chúng ta phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm… đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cũng nhấn mạnh đến việc cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo (NIC) để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kết nối tài năng, thúc đẩy khởi nghiệp, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển; hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp hơn nữa.
Cùng với đó, rà soát các doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm; rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, ngành cần thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước; nhanh chóng đưa vào vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo Luật Đầu tư mới; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tái cơ cấu danh mục tài sản công, tăng nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển một số dự án PPP sang sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm tiến độ việc xây dựng và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021-2030….
“ Với vai trò là cơ quan tham mưu về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, chúng ta cần phải xác định phân bổ cần theo định hướng ưu tiên gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo mọi điều kiện, nhất là thể chế và nguồn lực, nhằm phát triển với tốc độ nhanh các vùng động lực. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác phát triển, hướng tới bảo đảm cân bằng trong dài hạn,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Báo cáo tại hội nghị về năm 2020 và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 của đất nước và của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã cho biết kết quả vượt cả sự mong đợi.
Khi dịch COVID-19 bùng lên, khi phải thực hiện giãn cách và chuỗi cung toàn cầu đứt gãy, không ít sự lo lắng cho những nỗ lực và kết quả đạt được từ 4 năm trước bị năm 2020 kéo lùi, đe dọa không hoàn thành được kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Từng mỗi người dân đều cảm nhận được mức độ khó khăn chưa từng có của nền kinh tế và của đất nước, đồng thời cũng đều cảm nhận được giá trị của những kết quả mà năm 2020 đã đạt được, giá trị của sự nỗ lực quyết tâm, giá trị của công tác điều hành đúng, trúng, khẩn trương và bám sát của Chính phủ và các bộ ngành; trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với một năm Bộ liên tục dự báo, đánh giá tác động của đại dịch, liên tục điều chỉnh các kịch bản để công tác điều hành của Chính phủ và chính sách sát với diễn biến và tình hình. Kết quả thể hiện ở nền kinh tế đã phục hồi và được thế giới đánh giá là nhanh hơn dự báo. Các cân đối vĩ mô được đảm bảo. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động nhưng các mục tiêu kế hoạch của đất nước đã đạt được kết quả tốt.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
6 đạo luật quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đã được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật PPP; đồng thời, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ ban hành những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công.
Minh chứng cho tác động của Luật mới, ông Bùi Anh Tuấn, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết với Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ đã trình và ngày 4/1 vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp với nhiều điểm đổi mới.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên của năm mới-một nghị định về đăng ký doanh nghiệp-ngay trong ngày làm việc đầu tiên đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển doanh nghiệp. Kết quả là trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015,” ông Tuấn cho biết.
Đặc biệt, năm 2020, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Các giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ giải ngân năm 2020 đạt 82,8%. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.
Bộ đặc biệt quan tâm công tác xây dựng cơ chế, chính sách hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và doanh nghiệp, tích cực thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…