Năm học 2021-2022: Mỗi trường xây dựng 2 kịch bản dạy học

(ĐTTCO) - Vài ngày nữa, năm học 2021-2022 tại TPHCM bắt đầu, trong bối cảnh ngành giáo dục thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn: Trường học được trưng dụng làm nơi cách ly y tế, công tác tuyển dụng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa cho phụ huynh, học sinh còn hạn chế. 
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã có những chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.


PHÓNG VIÊN: Thưa ông, những ngày qua, phụ huynh liên tục lo lắng về việc năm học mới sắp bắt đầu nhưng học sinh chưa nhận được sách giáo khoa (SGK). Ngành GD-ĐT TPHCM đã có những chỉ đạo và hướng dẫn gì?

Năm học 2021-2022: Mỗi trường xây dựng 2 kịch bản dạy học ảnh 1Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chủ động tham mưu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng phương án phối hợp để cung ứng SGK đến tận tay phụ huynh, học sinh trên địa bàn. Theo đó, các địa phương có thể tính toán bố trí lực lượng vận chuyển, khung giờ và lộ trình di chuyển phù hợp với công tác phòng chống dịch, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân sớm tiếp cận SGK. Bên cạnh đó, SGK bản điện tử đã được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12, giúp học sinh có thể nghiên cứu bài học trước khi tham gia học trực tuyến. Các nhà xuất bản đã xây dựng kênh phân phối trực tuyến, hỗ trợ phụ huynh mua sách cho học sinh. Ngoài ra, hiện nay Sở GD-ĐT đang phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM triển khai chương trình dạy học trên truyền hình, phát sóng từ đầu tháng 9-2021. Đây có thể xem là một trong những kênh học tập bổ sung cho học sinh các cấp, đặc biệt học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp.


Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, quán triệt tinh thần dạy học bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Cụ thể, giáo viên sẽ chủ động sử dụng nhiều nguồn tài liệu, tài nguyên dạy học để xây dựng kế hoạch bài dạy theo hình thức tích hợp kiến thức thành nhiều chủ đề, không phụ thuộc thiết kế từng bài học trong SGK.

Liên quan đến việc triển khai dạy học trực tuyến tại các trường tiểu học, THCS và THPT, năm học 2021-2022 sẽ có những điểm nào mới so với những năm trước, thưa ông?

- Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm học 2021-2022, dạy học trực tuyến được xác định là phương pháp dạy học chủ yếu cho học sinh trung học, riêng học sinh mầm non và tiểu học sẽ kết hợp dạy học qua truyền hình và internet. Điều khác biệt của năm học này là dạy học trực tuyến đã được sự cho phép và hướng dẫn đầy đủ hơn của Bộ GD-ĐT. Mặc dù hạn chế của hình thức học tập này đã được nhận thức đầy đủ, nhưng trong tình hình hiện nay đây là phương thức tổ chức học tập hiệu quả nhất. Năm học 2021-2022, khối phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ không tổ chức tựu trường, khai giảng mà bắt đầu ngay vào việc thích ứng, chuyển trạng thái học tập ngay từ đầu năm học trên môi trường internet. Cơ sở giáo dục sẽ chủ động rà soát danh sách học sinh không ra lớp, học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến để xây dựng nhiều hình thức tổ chức, giải pháp phù hợp, đồng thời không gây áp lực về kiểm tra, đánh giá và căng thẳng cho học sinh.

Khi TPHCM kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, ngành giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên các khối lớp đầu và cuối cấp theo hình thức chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối còn lại tiếp tục học trực tuyến đến khi tình hình ổn định trở lại. Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở GD-ĐT sẽ tính toán tham mưu sử dụng các tuần dự trữ của năm học để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

Việc học trực tuyến gây không ít khó khăn cho phụ huynh, học sinh, nhất là học sinh lớp 1 mới vào học. Vậy ngành giáo dục tháo gỡ, chuẩn bị ra sao?

- Hiện nay, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các chủ đề, đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Mỗi trường học xây dựng tối thiểu 2 kịch bản dạy học trong nhà trường để ứng phó trong các trường hợp bất khả kháng, đáp ứng mục tiêu hoàn thành kế hoạch dạy và học tại đơn vị, đồng thời xây dựng, bổ sung, điều chỉnh quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với việc tổ chức dạy học trực tuyến và trực tiếp. Riêng đối với lớp 1 và 2, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của từng lớp, cân nhắc giảm yêu cầu cần đạt và chia yêu cầu cần đạt thành nhiều “chặng”, đặc biệt ở những địa bàn học sinh gặp khó khăn khi tham gia học tập trực tuyến, nhất là giai đoạn đầu năm học.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng xem xét điều chỉnh, phân phối thời lượng dạy học hợp lý theo hướng kéo giãn thời lượng cho giai đoạn làm quen (dạy học âm chữ, học vần mới), giảm thời lượng luyện tập tổng hợp, điều chỉnh, phân phối thời lượng hợp lý cho từng chủ đề, bài học, hoạt động, phù hợp với hình thức học trực tuyến.

Dịch Covid-19 hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có những chỉ đạo gì nhằm khắc phục khó khăn trong tổ chức dạy học và có những chuẩn bị tiếp theo cho các năm học sau?

- Sở GĐ-ĐT đã có tờ trình gửi UBND TPHCM đề xuất giãn thời gian thu học phí, trong đó tạm thời chưa thu học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022, tiến đến tính toán miễn học phí như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Trước đó, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở GĐ-ĐT đã đề xuất UBND TPHCM giữ nguyên mức thu học phí năm học 2021-2022 (không tăng so với năm học 2020-2021) và đã được UBND TPHCM chấp thuận.

Đối với việc tuyển dụng giáo viên, hiện nay tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức ở tất cả bậc học thuộc khối quản lý của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức là hơn 5.500 người. Ở khối THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2021-2022, tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo dục là 441 người (gồm 392 giáo viên và 49 nhân viên). Dự kiến công tác tuyển dụng sẽ hoàn thành trong tháng 11-2021. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, các trường sẽ tính đến các phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc tăng cường lực lượng tại chỗ.

Các tin khác