Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho 8 tỉnh ĐBSCL

(ĐTTCO) - Ngày 25-3, tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 và thảo luận các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn gia hạn dự án (hợp phần lúa gạo) của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSat).  

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho 8 tỉnh ĐBSCL ảnh 1Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã triển khai cho 8 tỉnh ĐBSCL để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

Theo đó, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã triển khai ở 8 tỉnh ĐBSCL nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết:" Thực hiện dự án này, tỉnh Long An đã triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị với chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cho 20.000ha lúa. Trong quá trình đó đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn 3 giảm 3 tăng cho hơn 13.000 hộ trên 8.000 ha, cho nông dân ứng dụng. Tập huấn hơn 10.000 hộ với diện tích hơn 6.000 ha. Long An đã xây dựng được 3 nhà kho, 9 đường giao thông nông thôn, 11  trạm bơm điện, 16 trạm biến áp… chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho khoảng 11 hợp tác xã với kinh phí khoảng 87 tỷ đồng. Qua 4 năm thực hiện dự án, vấn đề nâng cao hiệu quả canh tác lúa thể hiện rõ rệt, nhiều HTX được đầu tư sản xuất hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu".

"Tuy nhiên, nông dân vẫn còn thói quen sản xuất nhỏ lẻ, nhiều HTX mới thành lập nên vẫn còn yếu về nguồn lực, kinh nghiệm quản lý... Long An sẽ tiếp tục đầu tư cho HTX theo luật đầu tư công. Sẽ triển khai 11 tiểu dự án, xây dựng 4 trạm bơm điện để chủ động trong vấn đề bơm tưới, nâng cấp 8 tuyến đê bao đảm bảo ngăn lũ… Đồng thời yêu cầu các huyện trong dự án phải tập trung vận động nông dân, tiếp tục thực hiện các nội dung đã cam kết với dự án”, ông Thiện nói.       

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho 8 tỉnh ĐBSCL ảnh 2Quang cảnh hội nghị

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trong những năm vừa qua, ngành lúa gạo ĐBSCL đối phó với nhiều khó khăn, đặc biệt 3 năm mặn hạn gần đây, ngoài ra còn gặp khó khăn về thị trường, dịch bệnh… Tuy nhiên, kết quả đạt được đáng trân trọng, đây là ngành hàng tái cơ cấu.

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho 8 tỉnh ĐBSCL ảnh 3Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại hội nghị

“Tôi rất mừng trong quá trình nâng cao năng suất và chất lượng, đồng thời đã giảm giá thành để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, bà con nông dân hưởng lợi rất rõ. Ngoài ra, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng rất ít, góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, đề nghị các tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình, đây là điểm sáng để sản xuất lúa gạo càng ngày càng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, các địa phương cố gắng lồng ghép các chương trình này vào giai đoạn trung hạn của dự án, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ địa phương thưc hiện. Bên cạnh đó, các địa phương cố gắng phê duyệt,  hoàn thành tất cả các hạng mục, tổ chức đấu thầu qua mạng và bằng hồ sơ năng lực một cách hiệu quả, làm sao tất cả các gói thầu kết thúc trong tháng 6, sau đó tổ chức thi công. Trong thi công, đề nghị các tỉnh đặc biệt quan tâm đến chất lượng, năng lực quản lý, vận hành...”, ông Lê Quốc Doanh lưu ý.

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho 8 tỉnh ĐBSCL ảnh 4Đến nay, dự án đã hỗ trợ đầu tư 91  tiểu dự án  với tổng vốn IDA là 581 tỷ đồng

Theo báo cáo, năm 2020, dự án đã có tác động tích cực đến phương thức canh tác bền vững của các hộ dân, cơ bản hoàn thành mục tiêu dự án, thay đổi tập quán canh tác bằng việc sử dụng giống lúa chất lượng, giống lúa xác nhận ở hầu hết các HTX, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cho sự thay đổi chung ở các vùng sản xuất lúa gạo mà dự án hỗ trợ.

Đến nay, dự án đã hỗ trợ đầu tư 91 tiểu dự án cho các HTX, tổ hợp tác... với tổng vốn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) là 581 tỷ đồng, trong đó 88 tiểu dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 tiểu dự án còn lại chưa hoàn thành ở tỉnh Kiên Giang...

Các tin khác