Chiều nay (14/9), tại Hà Nội, đã diễn ra buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Đại sứ quán Hoa Kỳ về thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ.
Các đại biểu thống nhất nhận định, để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thuế cũng như thời gian kiểm dịch nhập khẩu hàng hóa để thúc đẩy thực hiện cam kết giữa 2 bên.
Đánh giá những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi giá trị giữa 2 bên, một số doanh nghiệp nhận định, thuế nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ còn cao hơn so với các nước được hưởng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Đồng thời cho rằng, việc giảm thuế đối với các mặt hàng ngô, lúa mỳ và ngũ cốc sẽ góp phần để doanh nghiệp gia tăng lượng khối lượng nhập khẩu. Góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa với không chỉ với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN mà nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH bán lẻ BRG – doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và thịt gà từ Hoa Kỳ cho biết: “Thời gian qua, doanh nghiệp được hưởng một số ưu đãi về thuế nên giá cũng thuận lợi như nhập khẩu thịt lợn từ các thị trường về Việt Nam đều được ưu đãi thuế còn 10%. Đến hết tháng 12 năm nay sẽ hết ưu đã về việc nhập khẩu thịt lợn đề xuất xem xét để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thứ hai, thời gian kiểm dịch mong muốn rút ngắn thời gian để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nhập khẩu”.
Với mục đích thúc đẩy những cam kết xuất nhập khẩu nông sản hướng đến việc cân bằng cán cân thương mại giữa 2 bên, 8 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp giải quyết những vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước như: tạm ngừng quy định về chứng nhận lưu hành tự do đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; lùi thời hạn áp dụng quy định về hàm lượng Samonela và một số kim loại nặng trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thương mại và xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ ngày càng tăng lên, có những thời điểm trong năm Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Về phía Việt Nam hàng nông sản nhập khẩu từ Hoa Kỳ bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng như: nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 10% - 20% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu sữa tăng đến 55%.
Về những giải pháp thời gian tới, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Doanh nghiệp phản ánh có những khó khăn như vấn đề thuế, thủ tục về kiểm dịch hay khó khăn về thị trường chưa được mở cửa. Dựa trên những phản ánh này phía Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan kỹ thuật chuyên ngành phía Hoa Kỳ để làm sao làm cho thủ tục về kiểm dịch 2 bên để trở lại trở nên ngày càng thông thoáng và theo đúng thông lệ quốc tế”.
Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là thương mại nông sản tăng trưởng liên tục trong những năm qua, đạt mức gần 30%. 7 tháng qua, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 47,1 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa 2 nước đạt 7,53 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.