Cùng là giảm nghèo, nhưng điểm khác biệt trong giảm nghèo 4 năm qua là thành phố đã tạo động lực giảm nghèo - tác động bằng chính sách - và yếu tố quyết định giảm nghèo chính là ý chí phấn đấu, vươn lên tự thoát nghèo của người nghèo. “TPHCM trao cần câu, chứ không trao con cá nữa”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn chia sẻ.
Nâng đỡ nhau lúc khốn khó
Tháng 8-2015, chồng bị tai nạn qua đời, bà Lê Thị Hương Bình (49 tuổi) đưa 2 con 11 tuổi và 7 tuổi về sống cùng cha mẹ - vốn tuổi cao sức yếu - tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Thuộc diện hộ nghèo, gia đình bà Bình nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ Ban giảm nghèo bền vững phường, Ban điều hành khu phố, Tổ tự quản giảm nghèo của khu phố. Ngoài việc bà được nhận tiền bảo trợ xã hội (dành cho phụ nữ đơn thân nuôi 2 con nhỏ) 760.000 đồng/tháng, thì các con bà đi học đều được nhận học bổng, được hưởng chế độ miễn giảm học phí.
Không chỉ vậy, gia đình bà còn được hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ 3 thẻ bảo hiểm y tế hàng năm và được nhận quà vào các dịp lễ tết. Bản thân gia đình bà cũng vươn lên thoát nghèo bằng cách nhận hàng gia công về may, nhận sửa quần áo, nhận giữ xe tại nhà. Đến nay, với mức thu nhập bình quân 29 triệu đồng/người/năm, cuộc sống gia đình bà đã khá hơn nhiều so với trước.
Cũng giống bà Hương Bình, chồng qua đời vì bệnh nặng vào năm 2014, một mình chị Phạm Thị Thanh Hóa (ngụ phường 8 quận 6) nuôi 3 con 19 tuổi và cặp sinh đôi 13 tuổi. Nhà chỉ còn một lao động chính nuôi 3 con nhỏ, cả gia đình rơi vào diện nghèo. “Ba mẹ làm thợ may đều đã rất cực rồi. Tôi chỉ mong muốn các cháu ngoan ngoãn, được học hành đến nơi đến chốn, sau này có công việc đàng hoàng. Các con chỉ có học tốt mới thoát nghèo bền vững. Nhưng mình tôi với chiếc máy khâu, làm sao nuôi được 3 con đến trường”, chị Hóa nhớ lại.
Giữa lúc 4 mẹ con bơ vơ, hụt hẫng, phường và khu phố đã hỗ trợ thiết thực. 3 người con được chính quyền địa phương kết nối với mạnh thường quân tặng học bổng, tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường. Quận đoàn quận 6 hỗ trợ chị Hóa 42 triệu đồng để xây nhà tình thương.
Ngày tháng trôi qua, người con gái lớn giờ đây đã tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đang làm việc tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, thu nhập ổn định và phụ giúp mẹ nuôi 2 em sinh đôi học năm nhất tại Trường Đại học Kiến trúc TPHCM và Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.
Ngoài công việc may gia công, chị Hóa còn nhận đưa đón các cháu bé trong khu phố đến trường. Cuộc sống dần ổn định, thấy khả năng mấy mẹ con tự lo cho nhau được, chị Hóa đã chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo giai đoạn 2019-2020.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lan (chủ một doanh nghiệp sản xuất dù trên địa bàn phường 9 quận 6) luôn nhận những lao động nghèo vào làm việc. Bất cứ người lao động có hoàn cảnh khó khăn nào, người nghèo, người khuyết tật, người mãn hạn tù cần việc làm, tìm đến với chị Lan đều được nhận. Cơ sở của chị đang tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với thu nhập 4-8 triệu đồng/người/tháng, tùy khả năng làm việc của từng người.
Có người hỏi: “Nhìn đầu trọc, tay chân xăm trổ, không sợ sao”, chị Lan cười hiền hậu, nói: “Không, có lúc tôi đưa tiền lương dư, người ta còn gặp tôi đưa lại. Chớ nghĩ người ta nghèo khổ thì nghèo đạo đức, không phải vậy, họ vẫn có tình nghĩa, biết công chính”.
Chị Nguyễn Thị Lan (bìa trái) đã nhận nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại cơ sở sản xuất dù. Ảnh: MẠNH HÒA
Chị Lan chia sẻ thêm: “Tôi dự tính 55 tuổi sẽ nghỉ hưu, như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng giờ đây 58 tuổi, vượt mốc mình đặt ra đã 3 năm, muốn nghỉ mà trăn trở hoài chưa nghỉ được. Tôi nghỉ thì những người lao động này đi đâu, làm gì? Nhiều người lao động không có trình độ, thậm chí lãnh lương cũng không biết ký tên vì không biết chữ; có người lớn tuổi, có người khuyết tật… hàng ngày chỉ ngồi bắt con ốc và vặn lại, tháng lãnh 5-6 triệu đồng. Làm sao tôi bỏ họ được”.
Khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo
Gia đình bà Lê Thị Hương Bình là một trong rất nhiều trường hợp đã thoát nghèo một cách bền vững, căn cơ từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và sự nỗ lực tự vươn lên. TPHCM cũng có rất nhiều gia đình như hộ bà Phạm Thị Thanh Hóa, đã đổi đời từ phấn đấu theo đuổi con đường học tập, với sự trợ giúp học bổng của chính quyền và cộng đồng.
Và TPHCM cũng không hiếm những mạnh thường quân, những người có nghĩa cử, hào hiệp luôn chung tay với người nghèo như chị Nguyễn Thị Lan. “Thành công nhất của chương trình giảm nghèo ở TPHCM là khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo; có sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi sức dân để lo cho dân”, ông Lê Minh Tấn nhận xét.
Riêng trên địa bàn quận Tân Phú, đầu giai đoạn 2019-2020, quận Tân Phú có 419 hộ nghèo (thu nhập 21-28 triệu đồng/người/năm), 536 hộ cận nghèo (thu nhập trên 28 triệu đến 36 triệu đồng/người/năm). Đến cuối năm 2019, quận Tân Phú đã giảm được 296 hộ nghèo, 370 hộ cận nghèo. Đạt được kết quả ấn tượng trên là nhờ quận có nhiều giải pháp an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh hình thức trợ vốn, quận thực hiện nhiều hình thức chăm lo về mặt xã hội khác như cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, cấp học bổng cho học sinh nghèo, thực hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng về cải thiện môi trường, điều kiện sinh hoạt cho hộ nghèo...
Ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết các phường đã thực hiện nhiều mô hình linh hoạt trong hỗ trợ “cần câu” cho hộ nghèo và cận nghèo, cũng như kéo giảm các chiều thiếu hụt; qua đó giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Chẳng hạn phường Phú Trung có mô hình “Hỗ trợ phương tiện sinh kế” nhằm hỗ trợ hộ nghèo phương tiện để sản xuất, gia công, kinh doanh.
Hay phường Tân Thới Hòa thực hiện mô hình “Hỗ trợ ôn tập văn hóa cho học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên”. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận học bổng, và hầu hết các em nhận học bổng đã có được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp, góp phần cùng gia đình ra khỏi diện hộ nghèo.
Tại quận 6, từ 231 hộ nghèo và 1.680 hộ cận nghèo đầu giai đoạn 2019-2020, đến nay đã kéo giảm 178 hộ nghèo và giảm 971 hộ cận nghèo. Là một địa phương thường dẫn đầu các giai đoạn giảm nghèo trên địa bàn TPHCM, bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 6, nhận xét chương trình giảm nghèo bền vững bằng phương pháp giảm nghèo đa chiều đã đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của thành phố, của quận được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin). Qua đó, cải thiện và từng bước nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo; đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Trên toàn địa bàn TPHCM, Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Minh Tấn cho biết, từ năm 2016-2018, TPHCM đã hỗ trợ hơn 60.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và gần 59.000 hộ vượt chuẩn cận nghèo. Đến cuối năm 2018, TPHCM hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ còn khoảng 0,3% tổng hộ dân thành phố. Từ năm 2019-2020, TPHCM nâng chuẩn nghèo lên 28 triệu đồng/người/năm và giữ nguyên cách đo lường nghèo ở 5 chiều xã hội; chuẩn cận nghèo là 28-36 triệu đồng/người/năm. Đây là chuẩn nghèo rất cao, gấp 3 lần cả nước và TPHCM nhìn nhận nghèo dưới góc độ đa chiều chứ không chỉ nhìn nhận nghèo về thu nhập. Với khoảng 103.000 hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn 2019-2020, TPHCM phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,7%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,9%/năm. Dự kiến, cuối năm 2020, TPHCM còn dưới 0,3% hộ nghèo và 0,5% hộ cận nghèo; hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020. Từ năm 2016-2018, TPHCM huy động khoảng 11.500 tỷ đồng dành cho giảm nghèo bền vững; từ năm 2019-2020, TPHCM dự kiến huy động gần 10.000 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. |