Dù có những lợi thế riêng biệt, nhưng trong những năm qua, hoạt động của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa như kỳ vọng, nên cần phải được đầu tư nhiều hơn để phát huy tiềm năng của cụm cảng mang tầm cỡ thế giới.
Tàu vào làm hàng ở khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Từ dấu mốc quan trọng
Nhận thấy những tiềm năng và lợi thế để phát triển cảng biển, ngay sau khi thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 5-11-1992, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu.
Từ định hướng của Trung ương, tỉnh đã nhanh chóng phối hợp cùng Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá để xây dựng quy hoạch, đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển hệ thống cảng biển nước sâu mang tầm cỡ quốc gia. Qua gần 30 năm triển khai, từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản ở dọc tuyến sông vốn là vùng đất sình lầy, ngập mặn, không có hệ thống giao thông kết nối, đến nay đã có 35 dự án cảng biển được quy hoạch với diện tích 1.606ha (trong đó, có 23 dự án đang hoạt động với tổng công suất hơn 142 triệu tấn/năm).
Tháng 10-2020, cảng đã đón tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn. Ngoài ra, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, lọt vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019. Theo tính toán, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động năm 2009, bình quân mỗi năm, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đóng góp vào ngân sách 12.000 tỷ đồng.
Theo TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế so sánh về cảng nước sâu, trong đó Cái Mép - Thị Vải có nhiều thuận lợi để tàu biển trọng tải lớn vào làm hàng. Điều đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư là các chủ tàu, các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới như Mearsk (Đan Mạch), PSA (Singapore), SSA (Hoa Kỳ), Mol (Nhật Bản) và một số đơn vị tham gia đầu tư khai thác.
Việc một số cảng biển kết nối trực tiếp các tuyến hàng hải đi châu Âu, châu Mỹ đã giúp các chủ hàng giảm thời gian vận chuyển do không phải trung chuyển qua Singapore hay Hồng Công như trước đây và cũng từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Nhờ có những điều kiện thuận lợi, trong tương lai, hàng hóa từ các địa phương lân cận trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như hàng hóa từ các nước tiểu vùng sông Mê Công, đặc biệt là Campuchia, sẽ được tập trung đến cảng Cái Mép - Thị Vải để trung chuyển quốc tế.
Bài toán giao thông kết nối
Mặc dù luôn góp mặt trong 6 nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới với mức tăng trưởng trên 20%/năm trong 6 năm qua, nhưng công suất hoạt động của cảng mới chỉ trên 53%. Đây là con số khá khiêm tốn và chưa thật tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Theo TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, giao thông kết nối giữa cụm cảng với các trung tâm công nghiệp chưa được triển khai đồng bộ là nguyên nhân chính yếu khiến công suất khai thác cụm cảng còn thấp. Một số chuyên gia cũng đánh giá, việc thiếu kho bãi lưu trữ, thiếu cơ quan kiểm định hải quan dẫn đến chi phí hàng hóa tăng và khiến nhiều doanh nghiệp bốc dỡ hàng hóa từ tàu mẹ xuống sà lan thông quan ở địa phương khác. Ngoài ra, việc thiếu hẳn hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia để chuyên vận chuyển hàng hóa từ cảng đến các địa phương cũng là một bất cập khiến lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải giảm sút.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, mục tiêu phải xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện đầu tư thu hút các dự án lớn kết nối đa phương thức và kết nối vùng để phát huy năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Để hiện thực hóa nghị quyết, tỉnh đã đẩy nhanh thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng như dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cầu Phước An, đường vành đai 4 để hình thành các tuyến giao thông liên kết vùng giữa các tỉnh thành trong khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến giao thông nội bộ kết nối cảng biển, các KCN trên địa bàn như: dự án đường Liên cảng, 991B, Phước Hòa - Cái Mép, Long Sơn - Cái Mép cũng đang được hình thành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hệ thống cảng biển của địa phương.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đang phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai đồng bộ các dự án giao thông mang tính liên kết vùng mà trung ương đã phê duyệt nhằm kết nối và phát huy thế mạnh, tiềm năng của các địa phương. Ngoài ra, tỉnh cùng các bộ, ngành trung ương cũng đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối từ KCN của các tỉnh lân cận tới cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo lợi thế trong vận chuyển hàng hóa.