Nhóm cổ phiếu bán dẫn trượt dốc
Kết phiên, Nasdaq Compositerớt khoảng 0,6%, xuống 13.644,85, chịu áp lực bởi đợt bán tháo cổ phiếu bán dẫn như Advanced Micro Devices, Nvidia và Micron. Chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF kết thúc tuần mất 5,2%, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2022.
Chỉ số S&P 500 sụt 0,1%, còn 4.464,05. Trong khi chỉ số Dow Jones tăng 105,25 điểm, tương đương 0,3%, lên 35.281,40. Chỉ số này được hỗ trợ bởi mức tăng lần lượt là 2,1% và 1,8% của cổ phiếu Chevron và Merck & Co.
S&P 500 và Nasdaq lần lượt bốc hơi khoảng 0,3% và 1,9% trong tuần này. Cả 2 đều ghi nhận tuần thua thứ 2 liên tiếp – chuỗi lao dốc đầu tiên đối với Nasdaq kể từ khi kết thúc chuỗi 4 tuần thua lỗ vào tháng 12/2022.
Dow Jones là một ngoại lệ trong 2 mức trung bình chính, tăng 0,6% trong tuần này.
Các nhà đầu tư đã có nhiều điều để ăn mừng vào đầu tuần.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 - chỉ số lạm phát quan trọng đối với thị trường và Cục Dự trữ Liên bang (Fed), giảm nhẹ hơn so với dự đoán trên cơ sở hàng năm. CPI tháng 7 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính đồng thuận của Dow Jones là 3,3%.
Số liệu CPI cho thấy một số dấu hiệu của sự dai dẳng. CPI cốt lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, cổ phiếu Disney đã phục hồi sau báo cáo doanh thu được công bố hôm thứ Tư. Bất chấp sự sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cổ phiếu này vẫn tiến hơn 3,2% trong tuần. Điều đó đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất cho gã khổng lồ giải trí kể từ tháng 3.
Nhưng dữ liệu lạm phát được công bố vào thứ Sáu đã làm phức tạp thêm bức tranh chung. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng 7, theo dõi giá mà các nhà bán buôn phải trả cho hàng hóa thô, nhích 0,3% so với tháng trước. Cao hơn mức tăng kỳ vọng 0,2% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
Những diễn biến của tuần này là động thái mới nhất trong một giai đoạn khó khăn đối với thị trường chứng khoán sau nửa đầu năm hoạt động mạnh mẽ. Ba chỉ số chính đều thấp hơn so với mức khởi điểm vào tháng 8.
Dự báo nhu cầu dầu đạt kỷ lục
Khép phiên, dầu thô Brent tiến 19 cent, tương đương 0,22%, lên mức 86,59 USD/thùng, Trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ cộng 22 cent, tương đương 0,27%, lên mức 83,05 USD. Tuần này, cả 2 điểm chuẩn đều tăng khoảng 0,5%.
IEA ước tính rằng nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và có thể mở rộng lên một “đỉnh” khác trong tháng này.
Trong khi đó, việc cắt giảm sản lượng từ Ả-rập Xê-út và Nga đã tạo tiền đề cho lượng hàng tồn kho giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm 2023, điều mà IEA cho rằng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Hôm thứ Năm, OPEC cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với dự báo trước đó. OPEC cho biết triển vọng thị trường dầu mỏ có vẻ lạc quan trong nửa cuối năm nay.
Dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ trong tuần này cũng nâng cao tâm lý thị trường, thúc đẩy suy đoán rằng Fed sắp kết thúc đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Vào thứ Năm, dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng Giêng, một ngày sau khi WTI đạt mức cao nhất trong năm nay.
Lần cuối cùng mà Brent tăng trong 7 tuần liên tiếp là vào tháng 1 – 2/2022, trước khi Nga “bất hòa” với Ukraine.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho hay sau khi giảm 8 tuần liền, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, giữ ổn định ở mức 525 trong tuần này.
Dữ liệu kinh tế trái chiều từ Trung Quốc đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trong tuần này. Trong khi dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu dầu thô tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tổng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7, với lượng nhập khẩu dầu thô hàng tháng giảm từ mức cao gần kỷ lục của tháng 6 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.