Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp
Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan đến quy định cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh, hiện vẫn có các ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ, song cũng có ý kiến cho rằng, phải cấm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Việc khuyến mại đối với dịch vụ khám, chữa bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng”. Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, nhiều ý kiến băn khoăn về việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn đưa nội dung xã hội hóa, tài chính y tế vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nói đội ngũ cán bộ y tế chuyển từ khu vực công sang tư là “chảy máu chất xám” thì chưa chắc đúng, vì họ vẫn phục vụ nhân dân. Nhưng, điều này cũng cho thấy cơ chế, chính sách đối với y tế công chưa tốt. Vấn đề là sửa chính sách công để giữ được cán bộ. Bên cạnh đó, còn những nội dung lớn trong dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan; một số đề xuất mới chưa được đánh giá tác động và một số vấn đề chưa đảm bảo thống nhất, liên thông trong hệ thống luật.
Luật phải xây dựng được cơ chế bảo vệ cán bộ y tế với những biện pháp thực hiện cụ thể. “Dù luật có rồi, nhưng tình trạng xâm hại đến sức khỏe của cán bộ y tế, bác sĩ khám bệnh, điều trị, nhất là những chỗ bệnh nguy hiểm, nguy nan vẫn xảy ra”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định trăn trở và đề nghị phải có lực lượng chuyên trách với công cụ phù hợp cũng như bố trí ngân sách thỏa đáng để làm việc này.
Chiều cùng ngày, sau khi nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận, UBTVQH đã đồng ý về nguyên tắc sẽ thông qua 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Các dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục được hoàn thiện, báo cáo lại UBTVQH trước khi được chính thức ban hành. Dự kiến, các nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2023.