Xác suất thành công 10%
Cho đến nay chỉ có 4 "tay chơi" thực thụ trên thị trường vaccine, gồm GlaxoSmithKline, Merck, Pfizer và Sanofi. Họ chiếm tới 90% doanh thu của thị trường vaccine trong năm 2019. Bởi lẽ, việc phát triển một loại vaccine là một canh bạc tốn kém về cả tiền bạc lẫn thời gian.
Tiến trình thường mất cả thập niên. Thêm vào đó, xác suất thành công của một loại vaccine được nghiên cứu thử nghiệm chỉ khoảng 10%.
"Có lẽ chỉ 1/10 vaccine thử nghiệm ở giai đoạn 1 được phê chuẩn, trong khi 50-70% vaccine thử nghiệm ở giai đoạn 3 được phê chuẩn" - Anthony McDonnell, nhà phân tích chính sách cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), nói.
Vậy làm sao các công ty vẫn sản xuất và vẫn bán vaccine ra thị trường? Theo Seth Berkly, CEO của Liên minh vaccine Gavi, ngành công nghiệp này tồn tại chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ khu vực công, tức chính phủ là nhà tài trợ chính cho khoa học. Suerie Moon, đồng Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Geneva, nói: "Chính phủ chỉ đầu tư khi cơ hội thành công rõ ràng, dù điều đó không có nghĩa không có rủi ro. Điều này đã giúp nền kinh tế vaccine vận hành".
Chi phí sản xuất một loại vaccine rất khác biệt, trung bình khoảng vài trăm triệu cho tới vài tỷ USD. Cung cầu và giá vaccine được quyết định bởi các chính phủ và tổ chức như liên minh vaccine Gavi, Unicef - những người mua lớn nhất.
Bên bán là các công ty dược phẩm. Vì chi phí phát triển và rào cản quy định đối với vaccine rất lớn, các công ty có thể duy trì sự độc quyền lâu hơn.
Theo bà Moon, các hãng dược có “quyền lực thị trường” rất lớn và khả năng làm giá cao hơn hẳn so với các loại thuốc generic (các loại thuốc đã hết bản quyền), hoặc các loại vaccine có nhiều nhà cạnh tranh.
Xem mặt đặt giá
Xem mặt đặt giá
Moderna kỳ vọng bán được 18,4 tỷ USD vaccine Covid-19 trong năm nay, trong khi Pfizer hy vọng con số 15 tỷ USD. Dự báo thị trường vaccine Covid-19 sẽ đạt 10 tỷ USD/năm hoặc hơn từ nay về sau. |
Tỷ phú Bill Gates cho biết nếu căn bệnh xuất hiện ở các nước giàu, một công ty sẽ sáng chế loại vaccine mới với đầu tư nghiên cứu phát triển lớn. Và họ sẽ định giá cao tương xứng, chẳng hạn 100USD/liều ở các thị trường phát triển. Sau đó họ sẽ làm một phiên bản giá thấp hơn, hoặc Ấn Độ hay các nước đang phát triển khác sẽ tham gia.
Bằng cách ưu tiên số lượng lớn với giá thấp, Viện Serum của Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới với hơn 1,5 tỷ liều vaccine mỗi năm, cung cấp cho khoảng 170 nước. Năm nay Viện Serum nhắm mục tiêu sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19, sau khi ký các thỏa thuận với AstraZeneca và Novavax. Adar Poonawalla, CEO của Serum, cho biết: "Sản xuất vaccine ở Mỹ và châu Âu rất tốn kém nên mức giá bán ra rất cao".
Vấn đề ở chỗ việc thiếu minh bạch trong chi phí sản xuất của mỗi công ty khiến việc định giá lợi nhuận của vaccine rất khó. Thí dụ, vaccine khuẩn cầu phổi của Pfizer, Prevnar, tạo ra 5,8 tỷ USD doanh thu năm 2019, nhưng không ai biết công ty đã đầu tư bao nhiêu cho Prevnar. Nếu Pfizer đầu tư chỉ khoảng vài trăm triệu USD trong nghiên cứu phát triển 10-15 hay 20 năm trước, rõ ràng họ đã thu lợi khủng.
Cũng cần biết rằng do đại dịch đòi hỏi phải có vaccine khẩn cấp, đã dẫn đến những câu hỏi về giá của các loại vaccine Covid-19. Vaccine của Oxford-AstraZeneca có giá 3-4USD/liều. Cùng với Johnson & Johnson họ thừa nhận bán vaccine về cơ bản không lợi nhuận trong đại dịch. Moderna nói họ bán cho chính phủ Mỹ với mức chỉ 16,5USD/liều để hoàn trả lại một phần tiền tài trợ. Nhưng giá cho các đơn hàng nhỏ hơn từ các khách hàng khác dao động từ 32-37USD/liều.
CEO Bencel lý giải: "Chúng tôi đã đầu tư 3 tỷ USD vào công nghệ này nhưng chưa kiếm được một xu lợi nhuận nào. Chúng tôi nghĩ sẽ không phù hợp nếu không sinh được ít lợi nhuận".
Ưu tiên của các chính phủ
Sự bùng phát Covid-19 đã khiến chính phủ các nước đặt cược hàng tỷ USD để phát triển vaccine chống lại đại dịch. Một thị trường vaccine mới nổi lên và các chính quyền sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để có được những liều vaccine đó.
Những phí tổn chính phủ Mỹ chi liên quan đến nghiên cứu phát triển vaccine hàng chục tỷ USD. Nhưng so với thiệt hại kinh tế lên đến hàng ngàn tỷ USD của đại dịch, con số đó chẳng thấm tháp. Vì vậy, có thể nói tiền đầu tư cho vaccine là những khoản tiền tốt nhất các chính phủ từng chi tiêu trong đại dịch lần này.
Khu vực công và chính quyền đã giúp việc nghiên cứu phát triển vaccine thực sự không có rủi ro và được trợ giá ngay từ những bước sớm nhất. Mỹ tài trợ trên 10 tỷ USD, châu Âu khoảng 4,4 tỷ USD, Anh khoảng 4,3 tỷ USD…
Những nhà tài trợ lớn khác bao gồm Quỹ Bill và Melinda Gates (hơn 2 tỷ USD) và Liên minh Sáng kiến Sẵn sàng chống dịch bệnh (CEPI - 0,3 tỷ USD). Vào cuối năm 2020, chính phủ Mỹ tài trợ cho vaccine của Moderna hàng tỷ USD, và vaccine này hiện đã được cấp phép sử dụng. Thực tế, Vaccine dùng công nghệ mRNA của Moderna đã mất cả thập niên để phát triển. Nhưng đại dịch đã buộc công ty tăng tốc sớm hơn 3-4 năm.
Vaccine đầu tiên được thế giới phương Tây phê chuẩn cũng dùng công nghệ mRNA. Nó được sản xuất bởi gã khổng lồ dược Mỹ Pfizer và công ty BioNTech của Đức. Trong khi Pfizer không lấy tiền khu vực công để phát triển và sản xuất vaccine của mình, nó có thỏa thuận mua ban đầu 1,95 tỷ USD từ chương trình vaccine của chính phủ Mỹ Operation Warp Speed. Chương trình đầu tư Covid-19 của Chính phủ Mỹ đã vượt 10 tỷ USD, trong đó hầu hết đã chi cho vaccine.
Đặt cược lớn vào vaccine còn có Trung Quốc và Nga, khi tài trợ cho các chương trình vaccine trong nước. Chính phủ Đức cũng cấp cho BioNTech 445 triệu USD. Chính phủ Anh cấp cho Đại học Oxford 65,5 triệu bảng (91 triệu USD). Và đối tác sản xuất vaccine của nó, AstraZeneca, nhận tới 1,2 tỷ USD từ chính phủ Mỹ để sản xuất thử nghiệm.