Đặc biệt, chủng virus vừa ghi nhận theo kết quả giải trình tự gen mới nhất, là chủng Anh và chủng Ấn Độ, đều là chủng biến thể lây lan nhanh đến mức độ “siêu lây nhiễm". Tại phiên họp trực tuyến ngày 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế ông Nguyễn Thanh Long đánh giá đợt dịch này phức tạp hơn các đợt trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng virus, tốc độ lây lan tăng cao hơn so với đợt trước. Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát sẽ khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa kiểm soát được.
Những hoạt động không cần thiết đều đã được tạm dừng. TPHCM và nhiều địa phương đã nghiêm cấm tụ tập trên 30 người nơi công cộng. Tuy nhiên, một câu chuyện đang được nhiều người quan tâm là có nên tạm dừng việc làm căn cước công dân để phòng chống Covid-19 hiệu quả hơn hay không?
Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Bộ Công an Sơ kết đợt 1 chiến dịch cấp căn cước công dân và đánh giá tiến độ thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, tổ chức chiều 7-5 tại Hà Nội, đã nhận định đây là “chiến dịch lịch sử của ngành mà chúng ta đang được vinh dự tham gia”.
Thực tế, thời gian qua, để đảm bảo đúng tiến độ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, lực lượng công an đẩy nhanh thực hiện, làm cả ban đêm, kể cả thứ bảy và chủ nhật, kéo dài tới khuya hằng ngày. Thậm chí, ngày Giỗ tổ Hùng Vương mới đây, nhiều người phải ghi nhận sự nhiệt tình của lực lượng công an khi vẫn thực hiện nhiệm vụ làm căn cước công dân một cách tích cực.
Chiến dịch cấp căn cước công dân mong muốn làm sạch dữ liệu để cấp số định danh cho 100% công dân trước ngày 1-7, để nhân dân sớm được hưởng những tiện ích trong cải cách phương thức quản lý từ giấy tờ thủ công sang quản lý bằng điện tử. Thiện chí ấy đáng ủng hộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 rất khó lường như hiện nay, thì không thể sốt ruột hoàn thành kế hoạch mà không lường được hệ lụy phát sinh.
Tính đến ngày 6-5, lực lượng công an đã thu nhận gần 40 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân, đã sản xuất và trả cho địa phương 7,4 triệu thẻ căn cước công dân. Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã đồng bộ vào hệ thống 98.713.820 nhân khẩu trên toàn quốc vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã làm sạch dữ liệu được 41,7 triệu dữ liệu. Thế nhưng, mục tiêu cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân trước ngày 1-7 e chừng khó thực hiện vì Covid-19 đang bủa vây.
Chánh văn phòng Bộ Công an - Tô Ân Xô cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công an đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương thực hiện việc cấp căn cước công dân gắn chip phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch. Với những địa bàn có ca mắc Covid-19, công an đã tạm dừng thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân và chờ khi dịch được kiểm soát tốt, an toàn sẽ tiến hành cấp trở lại. Với những địa phương chưa có dịch, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cấp, đổi căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, một số địa phương lãnh đạo cũng yêu cầu công an tạm dừng cấp căn cước công dân gắn chip trên toàn tỉnh để phòng, chống dịch. Vậy ở những nơi khác, làm sao giữ khoảng cách an toàn khi đông đảo người dân tụ tập lại một điểm để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân? Quy định người dân thường xuyên đeo khẩu trang, nhưng khi chụp ảnh thẻ thì phải bỏ khẩu trang, vẫn khiến cộng đồng nghi ngại. Bởi lẽ, chỉ cần một ca nhiễm Covid-19 bỏ khẩu trang, thì ít ai có thể tiên liệu điều gì có thể xảy ra.
Làm căn cước công dân là việc cần thiết, nhưng không nhất định phải thực hiện ồ ạt ngay trong cao điểm dịch Covid-19 bùng phát. Vì sức khỏe và sinh mạng của chính những chiến sĩ công dân đang làm nhiệm vụ, nên tạm dừng chiến dịch cấp căn cước công dân.