Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 2/9 nói rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Bà cho biết đang chờ đợi phía Nga có lời giải thích về vụ việc và nói Đức sẽ tham vấn các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về biện pháp phản ứng. Điều này khiến dư luận đồn đoán về khả năng phương Tây có thể áp dụng lệnh trừng phạt mới với Nga.
Thủ tướng Merkel phát biểu trong họp báo: “Đây là thông tin khó hiểu về vụ cố ý sát hại bằng cách đầu độc một nhân vật đối lập ở Nga. Alexei Navalny là nạn nhân vụ tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết ông Navalny (44 tuổi) đã bất tỉnh sau khi uống một tách trà trên chuyến bay nội địa của Nga trong tháng 8. Sau đó, ông được đưa đến Đức để điều trị.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington sẽ phối hợp với các đồng minh để “khiến Nga phải chịu trách nhiệm”. Anh, Pháp và Liên minh châu Âu đã cùng chỉ trích việc sử dụng chất độc thần kinh Novichok.
Nga đã bác bỏ liên quan đến vụ việc của chính khách Navalny và cho rằng đánh giá của phía Đức không có bằng chứng.
Điện Kremlin khẳng định muốn trao đổi thông tin và Nga cùng Đức cần có sự hợp tác. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 2/9 nói rằng phía Nga chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ Đức rằng ông Navalny bị đầu độc bằng Novichok. Hãng TASS dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang chờ đợi phản hồi từ Đức về yêu cầu của Tổng công tố Nga về việc chẩn đoán và điều trị cho ông Navalny.
Các bác sĩ Nga điều trị cho ông Navalny tại Siberia đều nghi ngờ kết luận của bệnh viện ở Đức và họ loại trừ khả năng chính khách đối lập này bị đầu độc bởi kết quả xét nghiệm thực hiện tại Nga cho thấy ông này âm tính với các chất độc.
Theo Reuters, Novichok cũng là chất độc thần kinh liên quan đến vụ việc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc ở thành phố miền Nam nước Anh Salisbury. Anh cáo buộc Nga đầu độc ông Skripal và con gái bằng chất độc thần kinh Novichok. Trong khi đó, Điện Kremlin đã mạnh mẽ bác bỏ cáo cuộc này. Liên Xô đã phát triển Novichok trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.