Nga - Mỹ tạm bắt tay, Ukraine lo ngại
Mỹ và Nga dường như đã đạt được một thỏa thuận địa chính trị rộng lớn về Ukraine, trong đó hạt nhân là định hướng tương lai về dòng chảy năng lượng.
Ukraine đã được 2 cường quốc đưa ra trao đổi trong tranh chấp giữa họ về đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) được báo cáo là đã hoàn thành tới 98% và sẽ cung cấp khí tự nhiên của Nga cho Đức và các nước còn lại trong châu Âu.
Dòng chảy phương Bắc 2 thường được xem là một dự án năng lượng của Nga. Trên thực tế, đây là một sản phẩm của thỏa thuận giữa công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga và một số công ty dầu khí châu Âu, bao gồm Shell của Hà Lan, E.On của Đức, Engie của Pháp, và OMV của Áo.
Các hãng trên đã ký thỏa thuận về dự án Nord Stream 2 bất chấp các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt lên Nga vào năm 2014 do động thái của điện Kremlin ở Crimea và vùng Donbass (Ukraine). Đối với phương Tây, nhu cầu về một nguồn cung năng lượng cận kề và ổn định vượt qua các bất đồng của họ với Nga.
Mỹ vài lần đe dọa chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí này và thậm chí đã trừng phạt vài công ty tham gia dự án.
Tuy nhiên, trong các tuần trước Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Nhà Trắng trên thực tế đã bật đèn xanh cho việc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Giới chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Biden, công khai nói rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới sẽ "phản tác dụng nếu xét đến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu". Có một số thông tin nói rằng Mỹ và Đức cũng đạt được một thỏa thuận về Nord Stream 2.
Theo thỏa thuận nói trên, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ phá hoại vai trò của Ukraine như một trung tâm khí của khu vực. Đồng thời, ít có khả năng Nga sẽ đưa quân vào quốc gia Đông Âu này vì nước này không có nguồn tài nguyên đáng kể nào.
Nga đã giảm lượng khí trung chuyển qua Ukraine, còn Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến sẽ khiến Ukraine mất đi 3 tỷ USD thu nhập hàng năm vì dự án này giúp Nga tránh phải đi qua Ukraine khi vận chuyển khí đốt sang châu Âu.
Đó chính là lý do Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky gần đây lên tiếng lo ngại Nga và Mỹ có thể đạt một thỏa thuận ngay sau lưng Ukraine.
Thực sự thì Tổng thống Putin và Biden cho hay, họ thảo luận vấn đề Ukraine trong cuộc gặp thượng đỉnh của họ ở Geneva vào ngày 16/6. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ khi ấy từ chối tiếp nhà lãnh đạo Ukraine trước cuộc gặp. Mặt khác, Tổng thống Putin cũng không đặc biệt quan tâm đến việc gặp gỡ ông Zelensky.
Hai sự kiện trên khiến một số nhà phân tích cho rằng Mỹ và Nga đều xem Ukraine như một "vật thể chính trị" trong thế đối đầu kiểu "tân Chiến tranh Lạnh" giữa họ.
Phương Tây vẫn sẽ phụ thuộc năng lượng Nga, còn Ukraine bị kẹt ở giữa
Tổng thống Zelensky gần đây có gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tin tức cho hay, bà Merkel bảo đảm với ông Putin rằng Berlin sẽ "làm mọi thứ để giúp Ukraine tiếp tục theo đuổi con đường phát triển".
Theo thỏa thuận giữa Đức và Mỹ, hai bên sẽ đầu tư 50 triệu USD vào cơ sở hạ tầng công nghệ xanh của Ukraine bao gồm các ngành năng lượng tái tạo và liên quan. Tuy nhiên khoản đầu tư này sẽ không đền bù cho hàng tỷ USD mà Ukraine sẽ mất nếu khí đốt không còn được vận chuyển qua lãnh thổ nước này nữa. Như vậy, Ukraine có thể phải trả giá đắt nhất cho các thỏa thuận năng lượng "béo bở" mà Mỹ, Đức, và Nga đạt được.
Nhưng còn một câu hỏi - Nord Stream 2 ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây?
Không nghi ngờ gì nữa, trong ngắn hạn và trung hạn, châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc nặng vào khí tự nhiên của Nga. Về lý thuyết, trong trường hợp quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi và biến thành chiến tranh quy mô lớn (kịch bản này khó xảy ra), Đức có thể tìm cách hạn chế nhập khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, nếu Đức chưa tìm được giải pháp bền vững để thay thế cho năng lượng của Nga thì động thái trên sẽ gây hại cho chính Đức. Do vậy, Đức có xu hướng sẽ duy trì quan hệ tốt với Nga mặc dù điều này sẽ không dễ dàng gì.
Theo thỏa thuận Merkel-Biden, Đức sẽ hậu thuẫn cho các cuộc thương thảo năng lượng trong Sáng kiến Tam Hải được Mỹ ủng hộ. Sáng kiến này gồm 12 nước Trung Âu và Đông Âu và có mục đích cắt giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga.
Trong tương lai gần, Đức có thể sẽ cố gắng cân bằng lợi ích kinh tế của riêng mình (bao gồm hợp tác với Nga) và các dự án địa chính trị của Mỹ ở châu Âu.
Vẫn còn sớm để khẳng định Nga có phải là bên giành chiến thắng chính trong ván bài năng lượng này hay không. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Ukraine với Nga hết hạn vào năm 2024 và nếu Berlin và Washington cố gắng ép Kremlin gia hạn thỏa thuận đó, thì chính Moscow sẽ phải ngăn kinh tế Ukraine khỏi bị tổn thất hàng tỷ USD.
Về phần mình, Nga luôn có thể nói rằng các đường ống dẫn khí đi qua Ukraine đã cũ kỹ và xập xệ, và do đó ai đó sẽ phải trả tiền cho việc tái thiết hệ thống này.
Ukraine có thể nhận các khoản vay từ phương Tây, thậm chí từ Trung Quốc để tân trang lại hệ thống đường ống dẫn khí của mình. Nhưng lúc đó, các quốc gia nước ngoài mới thực sự là bên sở hữu hạ tầng năng lượng của Ukraine.