Do đó, để ngăn chặn từ gốc nạn tín dụng đen, các cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp quản lý hành chính.
Để hợp thức hóa hoạt động tín dụng đen, các đối tượng thường núp bóng dưới hình thức hoạt động các công ty, doanh nghiệp như các cửa hàng cầm đồ, các công ty cho vay tài chính, câu kết với các nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở nhiều tỉnh thành. Do đó, cần quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh, hoạt động của các công ty có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Trường hợp phát hiện dấu hiệu kinh doanh núp bóng thì lập tức thu hồi giấy phép hoạt động, xử lý nghiêm những đối tượng liên quan.
Về biện pháp kinh tế, bên cạnh việc tạo sự thông thoáng trong cho vay tín dụng để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, cần kiểm soát sự tăng trưởng tín dụng ở khu vực ngân hàng. Đặc biệt, kiểm soát, làm rõ mối liên thông hệ thống giữa tín dụng đen với các ngân hàng thương mại, bởi nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng tiền vay từ ngân hàng để cho vay nặng lãi.
Cần phổ biến, nâng cao kiến thức cho người dân về tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp họ cảnh giác, tránh xa thủ đoạn lôi kéo cho vay nặng lãi. Khuyến khích người dân tố giác tội phạm. Đa số người dân lỡ bị vướng vào tín dụng đen không dám tố cáo trực tiếp những kẻ cho vay nặng lãi, dù biết rõ hình thức này vi phạm pháp luật, vì sợ bị trả thù. Vì vậy, cần có cơ chế thụ lý các thông tin tố cáo nặc danh, ẩn danh về hoạt động tín dụng đen và sớm vào cuộc xử lý thì hiệu quả sẽ rất cao.
Ngoài ra, cần sửa đổi quy định pháp luật về thế chấp, mua bán tài sản. Theo đó, không công nhận việc viết giấy tay vay nợ, thế chấp nhà ở và tài sản lớn khác phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, nhà đất. Trường hợp tòa án thụ lý tranh chấp loại này, nếu phát hiện có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen, lập tức chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ để xử lý các đối tượng liên quan. Như vậy, sẽ phần nào hạn chế tình trạng cố tình lách luật khi hợp thức các thỏa thuận cho vay nặng lãi bằng hợp đồng vay mượn tiền, thế chấp tài sản.