Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Đặng Thế Phương cho biết, do nhiều yếu tố, nhất là nỗ lực của Nhà nước trong kiểm soát, kiềm chế và giảm giá xăng, dầu đã giúp các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp vận tải đường bộ tại Hải Phòng “dễ thở” hơn. Trong thời điểm giá xăng, dầu neo ở mức cao, chi phí xăng, dầu đã tăng vọt và chiếm tới 40-45% giá thành cước vận tải, với tinh thần “khó khăn cùng chia sẻ”, các chủ hàng và các doanh nghiệp vận tải thực hiện thương lượng điều chỉnh giá cước tăng phù hợp.
Mỗi nơi một kiểu
Anh Nhật Minh, điều hành một doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container có trụ sở tại quận Hải An (Hải Phòng) cho hay, sau mỗi đợt công bố giảm giá xăng, dầu, gần như ngay lập tức, các chủ hàng đã liên lạc bằng điện thoại, nhắn tin, gửi qua thư điện tử… để yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước.
Điều đó cũng là đương nhiên và đều được các bên điều chỉnh giảm tương ứng theo tinh thần “lợi ích hài hòa”… Ông Đặng Thế Phương chia sẻ thêm, khi giá xăng, dầu giảm, gần như ngay lập tức các bên bàn bạc, thống nhất điều chỉnh giá cước của các lô hàng vận chuyển giảm tương ứng với biên độ giảm của giá xăng, dầu.
Đón nhận tin giá xăng, dầu giảm lần thứ tư liên tiếp, anh Phạm Văn Chung, lái xe của hãng ta-xi Thanh Nga phấn khởi cho biết: “Với mức giá này, thu nhập của lái xe được cải thiện hơn. Với giá xăng hơn 30 nghìn đồng/lít như trước, nhiều anh em đã phải tính bỏ nghề đi làm việc khác, vì thu không đủ bù chi”.
Anh Chung cũng cho biết, anh đã nhận được thông tin từ hãng sẽ giảm giá cước khoảng 1.500 đồng/km, áp dụng từ ngày 4/8/2022. Trong khi ta-xi truyền thống đã rục rịch giảm giá cước, thì cước ta-xi công nghệ - loại hình vận tải có giá cước được phép điều chỉnh linh hoạt theo giờ cao điểm hoặc thấp điểm, vẫn chưa hề có động thái giảm giá cước, bảo đảm công bằng cho người sử dụng dịch vụ.
Khảo sát của phóng viên trong vài ngày qua cho thấy giá cước ta-xi công nghệ như GrabCar, GoCar Protect, beCar ở khu vực Hà Nội vẫn còn ở mức khá cao, nhất là vào các khung giờ cao điểm hay thời tiết bất thường. Khi giá xăng, dầu tăng cao thì ta-xi công nghệ đều điều chỉnh cước ngay với lý do bù đắp chi phí, nhưng khi giá xăng giảm thì lại không giảm hoặc chậm trễ giảm tương ứng.
Là khách hàng đã sử dụng dịch vụ GrabCar nhiều năm, nhưng gần đây chị Lê Thị Hằng ở phố Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) đã phải chuyển sang đi ta-xi truyền thống bởi cùng quãng đường di chuyển, nhưng có những thời điểm đi xe ta-xi công nghệ phải chịu phí cao gấp rưỡi phí của ta-xi thường.
Giá xăng tăng thời gian qua đã tác động mạnh đến giá cước dịch vụ vận tải, trong đó, có dịch vụ thuê xe ô-tô khách tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi giá xăng giảm sâu, một số đơn vị vận tải du lịch đã điều chỉnh giảm giá dịch vụ cho thuê xe, nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Một công ty chuyên cho thuê xe ô-tô 7 chỗ và 16 chỗ cho biết: Thời điểm này nhu cầu thuê xe đi du lịch của nhiều gia đình vẫn rất cao, nên công ty lấy giá thuê xe dựa trên cung cầu thị trường, do đó giá dịch vụ không giảm nhiều, kể cả giá xăng có giảm.
Trong khi đó, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch-Xây dựng Bảo Yến chuyên cho thuê xe du lịch 45 chỗ, lại linh hoạt trong tính giá cho thuê xe, giá nhiên liệu giảm công ty sẽ báo giá cho khách hàng giảm tương ứng.
Hành khách đi các tuyến xe ở Bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh QUÝ HIỀN) |
Đẩy mạnh chương trình bán hàng bình ổn giá
Chị N.T.T, một tiểu thương kinh doanh rau tại chợ An Đông (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Hổm rày sau khi xăng, dầu giảm giá, tôi cũng muốn giảm giá để bán được nhiều hàng hơn, nhưng vì giá mua buôn rau, củ, quả vẫn chưa giảm, do vậy, hầu hết các mặt hàng rau, củ, quả vẫn được bán với giá như thời điểm đầu tháng 7/2022”. Còn chị V.C.Q.T- tiểu thương kinh doanh thịt lợn tươi sống tại chợ An Đông chia sẻ: Mấy tháng nay giá thịt lợn vẫn cao, cho nên sức mua tại các chợ yếu. Nhiều sạp hàng bán đến 18 giờ chiều mà vẫn tồn nhiều hàng.
Theo Trưởng ban Quản lý chợ An Đông Đinh Hồ Duy Ngọc, giá phần lớn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở chợ An Đông trong vài tháng gần đây ít biến động, dù giá xăng, dầu có giảm nhiều đợt. Chỉ có một số mặt hàng giảm giá với mức giảm không đáng kể (giảm khoảng 5%).
Theo ông Ngọc, chi phí vận chuyển chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng chi phí sản xuất nông sản, nuôi trồng thủy, hải sản, trong khi các chi phí còn lại là nguyên liệu, tiền lương, bao bì, vật tư, điện, nước… lại không giảm, cho nên giá thành thực phẩm khó giảm. Giá bán buôn, giá đầu vào vẫn cao thì tiểu thương rất khó giảm giá bán.
Đánh giá về vĩ mô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Trương Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta đã khôi phục, nhưng khâu tổ chức sản xuất vẫn chưa quy củ, ổn định như trước đại dịch Covid-19. Hơn nữa, chúng ta phải nhập khẩu khối lượng lớn thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, mà các yếu tố này chưa có dấu hiệu giảm giá, cho nên nhìn chung hàng hóa, dịch vụ vẫn neo giá cao.
Tại đường ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), phần lớn các quán ăn đều niêm yết giá như khi giá xăng, dầu tăng lên đỉnh điểm, do các nơi cung cấp thực phẩm nguyên liệu vẫn chưa giảm. Tương tự, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tại Hà Nội vẫn giữ mặt bằng giá được thiết lập từ khi giá xăng, dầu tăng cách đây mấy tháng. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình có thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Tuyết Lan (ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi mớ rau, miếng thịt đều tăng một chút, trong khi thu nhập của vợ chồng tôi không tăng, cho nên tôi phải tính toán, cân đối thật chi li mọi khoản chi tiêu trong gia đình để bảo đảm cuộc sống. Những khoản chi chưa cần thiết đều bị cắt giảm”.
Tại các hệ thống bán lẻ hiện đại, các doanh nghiệp phải ký hợp đồng thu mua với các nhà cung cấp dài hạn, cho nên khó có thể giảm giá bán hàng hóa ngay lập tức khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm. Tuy vậy, với sự đồng hành của các nhà cung cấp, thì các siêu thị bắt đầu giảm giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để hỗ trợ, chia sẻ với người tiêu dùng.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trong mấy ngày đầu tháng 8/2022, một số nhà cung cấp đã thông báo giảm giá một số mặt hàng, như cà-phê Trung Nguyên xay loại 500g từ 57.900 đồng/hộp xuống còn 50.000 đồng/hộp; dầu đậu nành Simply 1 lít từ 64.900 đồng giảm còn 62.500 đồng/chai; nước tương Nam Dương từ 17.600 đồng giảm còn 13.900 đồng/chai… Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, hệ thống siêu thị bán lẻ BRGMart đã và sẽ tiếp tục đàm phán với tất cả các chuỗi cung ứng trong nước và nhập khẩu để đưa ra mức giá phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ giá một số mặt hàng thiết yếu và thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường.
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Hồng Y cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định giá, trong ngắn hạn, thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí trung gian trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu với các tỉnh, thành phố khác; tiết giảm chi phí tiếp thị và thời gian, chi phí tìm kiếm nguồn hàng cho doanh nghiệp...
Còn trong dài hạn, thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, đẩy mạnh hợp tác thương mại với các địa phương khác; tổ chức bán hàng bình ổn lưu động nhằm ngăn chặn nguy cơ khan hàng, sốt giá cục bộ; đẩy mạnh phân phối hàng bình ổn thị trường đến tận tay người lao động. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, thành phố Hà Nội triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, đồng thời, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn, tránh gây ra những tác động tiêu cực tới giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác.