Đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, với vai trò là cầu nối triển khai chính sách đến các đối tượng khách hàng phù hợp, thỏa điều kiện theo quy định, đối với OCB đây cũng chính là cơ hội để góp phần hỗ trợ khách hàng của mình phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Từ lúc văn bản ban hành và có hiệu lực thi hành, OCB đã tiến hành đăng ký mức hỗ trợ 400 tỷ đồng (trong gói 40,000 tỷ đồng) theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% và đang đợi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Song song đó, chúng tôi cũng chủ động triển khai các công tác nội bộ nhằm sớm đưa vào áp dụng cho khách hàng: các khối, phòng ban có liên quan đã tổ chức họp để phân công triển khai thực hiện được đồng bộ và nhanh chóng, ban hành quy định nội bộ, mẫu biểu áp dụng, tính toán số lượng khách hàng và dự tính tổng số tiền hỗ trợ để báo cáo NHNN,… Mục tiêu của Ngân hàng khi triển khai chương trình này là hỗ trợ đúng đối tượng, đáp ứng được điều kiện và yêu cầu hỗ trợ 2% lãi suất mà NHNN đưa ra.
OCB tin tưởng rằng, việc triển khai gói hỗ trợ này sẽ mang đến những tác động tích cực cho hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng. Cụ thể, khi khách hàng có vốn để phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh, đồng nghĩa với việc tăng khả năng thanh toán nợ đúng hạn cho NH, theo đó chất lượng tín dụng của ngành Ngân hàng cũng sẽ được tốt hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết tiếp nhận các nội dung Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, ABBank đã khẩn trương lên kế hoạch thực thi chính sách. Theo đó, ABBank đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28,600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng 2 năm đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Trước đó, ABBank cũng đã thành lập Tổ công tác triển khai nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN về hỗ trợ lãi suất gồm các đơn vị liên quan từ các Khối Kinh Doanh, Vận hành, Công nghệ Ngân hàng, Bán hàng và Dịch vụ, Pháp chế Tuân thủ, Quản trị Rủi ro, Ban Tài chính. Tổ công tác đã thực hiện phân công và có kế hoạch cụ thể về xây dựng quy định, hướng dẫn, hệ thống để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu của Nghị định 31 và Thông tư 03.
Hiện, ABBank đang xây dựng và tiến tới ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 31 và Thông tư 13 trong nội bộ Ngân hàng, đảm bảo công tác hỗ trợ lãi suất được triển khai kịp thời, minh bạch và hiệu quả.
Ngân hàng Bản Việt cho biết sẵn sàng và mong muốn tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước này trên cơ sở một số nguyên tắc: Tuân thủ nghiêm túc các quy định của Chính phủ và NHNN; công khai, minh bạch và công bằng - phản ánh qua các quy trình, quy định nội bộ và hoạt động truyền thông; đặc biệt chú trọng trong đảm bảo hỗ trợ đúng mục tiêu, phòng tránh rủi ro lạm dụng chính sách.
Ngân hàng Bản Việt cũng sẽ sớm đẩy nhanh phân tích danh mục tín dụng, cơ sở Khách hàng để dự báo nhu cầu về nguồn vốn ngân sách dành cho hỗ trợ lãi suất trong gói 40,000 tỷ đồng và đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho cả 2 năm 2022, 2023.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40,000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN, Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú cho hay, đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua nhiều cuộc họp và lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, NHNN Thành phố cũng vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh triển khai trên toàn hệ thống.
Để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ này, NHNN TP.HCM yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn khẩn trương tổ chức xây dựng quy trình nghiệp vụ, tập huấn và hướng dẫn thực hiện trong toàn hệ thống. Đồng thời, thông tin, tư vấn, hướng dẫn khách hàng, doanh nghiệp để họ nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN. Qua đó, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố.
Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ NHNN trong 2 năm 2022-2023 và từng năm theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN và Công văn 3442/NHNN-TD ngày 24/5/2022 của NHNN.
“NHNN TP.HCM yêu cầu các ngân hàng triển khai, tập huấn về chính sách hỗ trợ lãi suất đến toàn đơn vị; đảm bảo tư vấn và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và tuân thủ các quy định liên quan. Trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất, các tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho khách hàng”, ông Lệnh nói.
NHNN TP.HCM lưu ý các ngân hàng thương mại thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê riêng các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Ngoài ra, báo cáo định kỳ kết quả triển khai các trường hợp đột xuất, các khó khăn, vướng mắc cho NHNN kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…