Khó tiếp cận
Tính đến ngày 15-8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (ở mức 6,68%). Trong khi đó, đến cuối tháng 6-2022, tăng trưởng tín dụng đã tăng 9,35%. Như vậy, trong 1,5 tháng qua, tín dụng tăng rất chậm (chỉ ở mức 0,27%) cho thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) phải “ăn đong” khi đã cạn room tín dụng và vẫn chưa được phân bổ thêm.
Nhiều NHTM cho biết đã phải tự xoay xở cho vay trong dư địa tín dụng còn lại nên không thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mặc dù nhu cầu vốn trên thị trường khá lớn. Một số NHTM phải mua lại trái phiếu DN, cấp tập thu hồi nợ đến hạn để có thể cho vay. Tuy nhiên, với dư địa tín dụng còn lại, các NHTM phải xét duyệt kỹ lưỡng hơn, chỉ xem xét cho vay ngắn hạn với các khoản vay tiêu dùng từ 1-3 tháng. Đó cũng là lý do khiến nhiều DN hiện rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Đơn cử, nhiều DN du lịch cho biết, sau khi mở cửa trở lại, ngành du lịch phục hồi tốt nhưng họ rất khó tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động kinh doanh. Đa số công ty du lịch nhỏ đều không có tài sản thế chấp để có thể vay các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, ngay cả khi thuộc ngành nghề đủ điều kiện. Còn vay tín chấp thì do ngành du lịch trong 2 năm dịch bệnh bị “đóng băng”, DN không có doanh thu, không chứng minh được dòng tiền ổn định và báo cáo tài chính tốt để được vay.
Lãnh đạo Công ty Du lịch Việt cho biết, để có thể cầm cự, DN này phải vay vốn dưới dạng vay tiêu dùng cá nhân ngắn hạn, lãi suất hơn 10%/năm. Thậm chí, thời điểm khó khăn nhất, DN phải vay “nóng” để duy trì hoạt động và giữ chân nhân viên vì không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Theo vị này, mặc dù công ty đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng vấn đề là phải có tài sản thế chấp, trong khi tài sản thế chấp luôn là vướng mắc lớn nhất của DN.
Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam cho biết, đang có nhu cầu vay vốn để đầu tư thêm xe buýt phục vụ du khách tham quan thành phố nhưng liên hệ với một số ngân hàng vẫn chưa được vay vì ngân hàng đã cạn room tín dụng. Nhiều công ty du lịch khác phản ánh, nguồn vốn hiện là “mạch máu” giúp DN phục hồi sau đại dịch nhưng do ngân hàng cạn room nên cả khi đủ điều kiện cho vay, việc giải ngân cũng khá chậm. Trước đây, chỉ 1 ngày sau khi hoàn thành thủ tục vay, DN sẽ được giải ngân nhưng hiện nhiều khoản vay phải đợi 3-5 ngày sau mới được giải ngân khiến chi phí vốn của DN tăng lên do phải tăng dự trữ tiền mặt. Đặc biệt là nhóm DN lữ hành vì các nhà cung cấp, cơ sở lưu trú yêu cầu phải thanh toán, ứng trước tiền cọc khi đặt dịch vụ cho khách chứ không được gối đầu công nợ như trước.
Không chỉ DN du lịch, ông Minh D., chủ một DN kinh doanh xăng dầu, cho biết, 2 tuần trước, khi đáo hạn khoản vay 10 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 6,8%/năm trước đó bị đẩy lên 7,2%/năm mà ông D. chỉ được giải ngân 8 tỷ đồng vì ngân hàng cho biết đã hết room tín dụng. “DN kinh doanh xăng dầu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu biến động mạnh, liên tục… Vậy mà khi vay tiền, ngân hàng không chỉ tăng lãi suất mà còn “ngắt” bớt vốn khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình phục hồi kinh doanh”, ông D. bày tỏ.
Chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Trong bối cảnh lãi suất đang trong xu hướng tăng, gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai từ tháng 5-2022 được rất nhiều DN kỳ vọng. Tuy nhiên đến nay, sau gần 3 tháng triển khai vẫn chưa nhiều DN tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Số liệu báo cáo nhanh từ các NHTM, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay, doanh số cho vay của gói 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh mới đạt gần 4.100 tỷ đồng, với gần 550 khách hàng được vay. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng mới đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới chính sách chậm được triển khai được Ngân hàng Nhà nước lý giải là do NHTM khó khăn trong xác định đối tượng hỗ trợ lãi suất; nhiều hộ sản xuất kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ.
Nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đều cho rằng, khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất vì ngân hàng yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ, có tài sản thế chấp. Nhưng 2 năm dịch bệnh vừa qua, hầu hết DN đã “cắm” tài sản tại ngân hàng, không còn tài sản để thế chấp cho khoản vay mới.
Trong khi đó, giải thích với DN, nhiều NHTM cho biết, vì đây là gói hỗ trợ từ ngân sách nên việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ đòi hỏi cẩn trọng để dòng vốn đến đúng và trúng đối tượng. Tuy nhiên, không ít NHTM cũng nói thẳng, một trong những nguyên nhân chính khiến gói hỗ trợ này chưa được giải ngân nhiều là do các NHTM không còn room tín dụng.
Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, hiện dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá lớn với khoảng 4,42%, tương đương gần 500.000 tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên sớm điều chỉnh room tín dụng cho ngân hàng, nếu không sẽ làm trì hoãn khả năng cho vay của ngân hàng. Hậu quả, không những NHTM gặp khó trong kinh doanh mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cũng khó khăn không kém.
Nếu không nới room, việc hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện được với các khoản vay cũ thì hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, không tạo ra được động lực mới cho DN.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm kịch bản tăng trưởng tín dụng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Còn việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng còn lại. |