Theo ngân hàng, kẻ gian sử dụng tên và hình ảnh đại diện của một người để lập tài khoản mạng xã hội, tiếp theo mở tài khoản ngân hàng mạo danh người đó để lừa đảo, vay tiền bạn bè, người thân.
Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh cá nhân, tài khoản trùng khớp nên bạn bè, người thân của người đó đã chuyển tiền cho kẻ mạo danh. Khi bị phát hiện, kẻ gian lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.
Kẻ xấu cũng có thể giả danh cán bộ ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Cụ thể, kẻ gian tiếp cận nạn nhân và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (Số thẻ CCCD/CMND/sổ hộ khẩu) để hỗ trợ vay vốn/ thanh lý hồ sơ cho vay/ giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn. Kẻ gian giả mạo văn bản chứng minh nạn nhân đã được giải ngân khoản vay và yêu cầu họ nộp trước một khoản phí. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng chặn toàn bộ liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hoặc ở thủ đoạn khác, kẻ xấu tiếp cận, mời gọi nạn nhân cung cấp hồ sơ để hỗ trợ vay vốn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối tượng thông báo nạn nhân không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu, yêu cầu đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu. Sau khi nhận tiền, kẻ gian trốn mất.
Có trường hợp kẻ lừa đảo chào mời hỗ trợ người dân rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin thẻ, đồng thời thông báo nạn nhân sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu nạn nhân cung cấp mã số này, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
Một trường hợp xảy ra phổ biến hiện nay là kẻ gian gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng có chứa đường dẫn giả mạo với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống/trúng thưởng/xác thực tài khoản đang tiêu dùng ở nước ngoài/ tài khoản đăng nhập ở vùng bất thường/tài khoản tạm ngừng dịch vụ,… yêu cầu người dùng truy cập vào các website/đường link giả và làm theo các yêu cầu. Nếu người dân truy cập đường dẫn, cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền từ tài khoản nạn nhân.
Ngân hàng khuyên người dân hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web, hoặc đòi đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
Khách hàng cần nhận diện chính xác website và trang Facebook chính thức của ngân hàng và ví điện tử đang dùng để tránh bị các trang giả mạo lừa đảo.
Khi nhận được yêu cầu chuyền tiền từ người thân hay bạn bè, cần có phương pháp xác thực đáng tin và chính xác để khẳng định chính người đó đang cần vay, mượn.
Tiếp đến, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, các ví điện tử và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.
Người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số CMND, CCCD, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu); thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết (tên đăng nhập/mật khẩu) để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.
Trong một số trường hợp, người dùng điện thoại di động có thể cài đặt một số phần mềm bảo mật uy tín để bảo vệ các thông tin nhạy cảm.