Khủng hoảng kép
Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng kép, khác hẳn với các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã xảy ra trước đây. Thậm chí, cuộc khủng hoảng này có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008, do nó tác động đến cả phía cung và cầu của nền kinh tế.
Trong bối cảnh này, vai trò của NH cũng phải thay đổi so với cuộc khủng hoảng trước đó. Nguyên nhân chính suy thoái năm 2008 là hoạt động cho vay dưới chuẩn của các NH. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng lần này, hệ thống NH không còn là “tội đồ” mà trở thành một phần của giải pháp giúp vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Hiện các NHTM Việt Nam đang nỗ lực thực hiện vai trò của mình trong việc thúc đẩy lưu thông vốn. Song, dòng chảy vốn cũng khó khăn hơn do một số yếu tố khách quan của thị trường, như đầu vào nguyên nhiên vật liệu khan hiếm do giãn cách không lưu thông được; sản xuất bị đình trệ, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho tăng; công nợ nhiều, nhà máy, xưởng sản xuất cầm chừng, vừa làm vừa chống dịch; các công trường, công trình ngưng hoạt động, các chi phí không giảm mà còn tăng cao…
Trong khi đó, doanh thu của khu vực DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch khiến họ phải tìm kiếm các nguồn vốn bên ngoài nhiều hơn, trong đó có vốn vay NH để tiếp tục hoạt động.
Trong thực trạng như vậy, vai trò cung cấp vốn cho các DN của hệ thống NH phải được đề cao hơn nữa. Do vậy, giữa DN và NH càng phải thấu hiểu, cần chia sẻ và cần đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận đánh giá trong mối quan hệ giữa 2 bên để trước là cùng vượt khó, sau là ổn định và phát triển hậu covid.
Hạ lãi vay “cứu” cả 2
Các NHTM đã cơ cấu nợ và giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, việc miễn, giảm lãi suất để hỗ trợ DN trong đợt bùng phát lần thứ 4 phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, khả năng đảm bảo an toàn vốn cũng như khả năng thanh khoản của mỗi NH. Bởi NH cũng là DN nên bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch. Khi các NH giảm lãi sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của họ.
Vì vậy, giảm lãi vay phụ thuộc vào độ nhạy của lợi nhuận NH với lãi suất, không giống nhau ở các NH. Thí dụ, NH A giảm 1% lãi suất, lợi nhuận có thể giảm 5%, nhưng đối với NH B, lợi nhuận có thể giảm đến 10%. Điều này phần nào giải thích việc một số NH rất chủ động trong việc miễn giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, trong khi các NH khác thận trọng hơn.
Việc hạ lãi suất cho vay, đặc biệt trong lúc này là biện pháp điều hành linh hoạt phù hợp, nhằm mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Song các NH cần hiểu rằng tác động của đại dịch đến lợi nhuận và hoạt động của họ sẽ có độ trễ. Khi giãn cách xã hội, hầu như các DN, nhà xưởng đều phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng.
Nếu thời gian giãn cách kéo dài, sức khỏe tài chính của DN kiệt quệ, NH cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu các DN không đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng, trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của NH.
Bên cạnh đó, việc bơm vốn cần được thực hiện mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh khơi thông dòng vốn, hạ lãi suất cho vay không đánh đồng với việc cho vay tràn lan và dưới chuẩn. Vì như vậy có thể khiến dòng vốn chảy vào các lĩnh vực mang tính chất đầu cơ, không thực sự mang lại giá trị cho nền kinh tế.
Dòng vốn này phải được chảy về các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết yếu và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Các NHTM cần đánh giá địa bàn khu vực, ngành nghề, đối tượng cụ thể để có định hướng tín dụng phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng NHTM, trên cơ sở đó ban hành các chính sách/sản phẩm tín dụng, cụ thể hóa các tiêu chí điều kiện tín dụng để tiếp cận tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người vay.
Cần ứng phó nhanh
Có thể thấy, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN đã có các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và 03/2021/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ DN. Điều này cho thấy NHNN đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên, tốc độ diễn tiến quá nhanh của dịch bệnh nên các chính sách phải thay đổi liên tục để phù hợp hơn với tình hình mới. Đây là thách thức rất lớn và NHNN có thể sẽ ban hành các thông tư mới để hỗ trợ DN.
Về tình hình chung, nếu thời gian giãn cách kéo dài quá lâu và không có các chính sách ứng phó kịp thời, cuộc khủng hoảng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tác động đến toàn bộ thành phần từ khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ (phía cung) đến khu vực tiêu dùng (phía cầu). Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng đột biến, đặc biệt thất nghiệp tự nhiên, kéo theo sản lượng tiềm năng của nền kinh tế giảm. Nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị suy thoái tạm thời.
Tuy nhiên, cuộc suy thoái lần này khá đặc biệt, là cuộc suy thoái có chủ đích, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng ta thường nghe nói đến mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn đại dịch.
Tuy nhiên, khi đại dịch diễn tiến khó lường, mục tiêu sức khỏe cộng đồng sẽ được lựa chọn. Năm 2020, các chính phủ trên thế giới thường chọn mục tiêu ngăn chặn đại dịch và để suy thoái xảy ra có mục đích khi họ áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách.
Góc nhìn đó chỉ ra rằng các chính phủ sẽ chủ động hơn khi ứng phó với cuộc suy thoái lần này. Một khi chính phủ có sự chuẩn bị trước sẽ có được vị thế chủ động trong việc ban hành các chính sách đối phó.
Các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được linh hoạt ban hành để chống lại suy thoái. Các chính sách này thường hướng đến việc hỗ trợ, giúp cả DN và người dân đủ sức khỏe để vượt qua đại dịch.
NH hỗ trợ lãi suất cho DN lúc này không chỉ nhằm giúp DN vượt qua cú sốc khủng hoảng, còn giúp chính NH bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai. |