Chờ đợi đã gần 10 năm
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 vừa qua, có nêu hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các NH yếu kém này đã được chuẩn bị. Dự kiến việc định giá và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trong tháng 5, và sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Năm 2018, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội cho biết, đến cuối năm 2016 nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; OceanBank 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ; CBBank là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ.
Cũng trong báo cáo đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, tái cơ cấu các NH này chậm và chưa triệt để, việc thu hồi nợ xấu khó khăn do không có tài sản đảm bảo, nếu có tài sản đảm bảo khách hàng không hợp tác.
Năm 2023, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội tiếp tục nhắc lại, tại thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), mới có DongABank được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, 3 NH như nêu trên mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương và đang xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc.
Các NH trong diện này có tình hình tài chính rất khó khăn, như nợ xấu, tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có xu hướng tăng và không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động NH. Việc xử lý kéo dài nhiều năm, dẫn tới rủi ro có thể ngốn nguồn lực khi phải cho vay đặc biệt để hỗ trợ các nhà băng yếu kém. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị NHNN đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc với các đơn vị trên.
Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chuyển giao bắt buộc của 3 NH mua bắt buộc là CBBank, OceanBank, GPBank.
Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD 2024 để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 3 NH này.
NH nội đã sẵn sàng
Thực ra, vào các năm 2016-2019, cả 3 NH này đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác, tổ chức nước ngoài. Năm 2016, Chính phủ cho biết, NH Phát triển châu Á (ADB) cùng một đối tác tư nhân Việt Nam đã lên kế hoạch xử lý mua lại, đồng thời có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý NHTM yếu kém.
Năm 2019, Tập đoàn J Trust ngỏ ý tham gia cơ cấu lại CBBank và muốn được Chính phủ, NHNN tạo điều kiện trong đàm phán và mua lại. Đây là tập đoàn có kinh nghiệm chuyên môn sâu trong việc hỗ trợ các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn, đã mua lại và tái cơ cấu thành công một số NH yếu kém ở Hàn Quốc, Indonesia.
Cùng thời điểm đó, Tập đoàn Clermont (Singapore), Tập đoàn Maruhan (Nhật Bản), Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB) cũng nằm trong danh sách quan tâm đến việc tham gia vào các NH này. Tuy nhiên, mong muốn đối tác nước ngoài lúc đó mua 100% cổ phần NH Việt Nam đã không xảy ra, thậm chí có thương vụ đã đi vào vòng đàm phán cuối cùng nhưng kết quả vẫn thất bại.
Nguyên nhân do nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi nhiều điều kiện khó đáp ứng, chẳng hạn yêu cầu NHNN phải tiếp tục hỗ trợ cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, hoặc đề nghị giá mua “thấp không tưởng” nên không thể đàm phán. Còn dư luận ngầm hiểu, khó có chuyện bán “tất tay” một NH nội cho đối tác nước ngoài để tái cơ cấu, vì đụng nhiều quy định khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn một NH Việt Nam.
Sau đó, kỳ vọng xử lý NH yếu kém đã chuyển sang các NH nội. Lúc đầu, nhà điều hành cũng từng cho biết, quá trình cơ cấu lại, xây dựng phương án chuyển giao với các TCTD kéo dài là việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém).
Các nhà băng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc. Song đến năm 2022, tình hình khởi sắc hẳn khi MB, Vietcombank, VPBank, HDBank lần lượt công bố dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc 1 NHTM yếu kém.
Dĩ nhiên để xử lý các NH này, cơ quan quản lý cũng đưa ra những điều kiện khá hấp dẫn. Tại đại hội cổ đông mới đây, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, về năng lực tài chính, quản trị, không phải nhà băng nào cũng được tham gia tái cơ cấu khi những NH này đều đang ghi nhận lỗ lũy kế lớn, hoạt động liên tục thua lỗ.
Tuy nhiên, sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC, giúp VPBank có nền tảng vốn lớn, đủ khả năng tham gia. Ông Dũng nói rõ thêm, hầu hết NH không thiết tha tham gia tái cơ cấu, nhưng VPBank tham gia vì đây là sự đóng góp cần thiết và vì những mục tiêu khác. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn và khả năng được mở "room ngoại" trên 30% là lợi ích VPBank hướng tới.
Ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank cũng chia sẻ với cổ đông, lợi ích khi nhận chuyển giao là NH sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc nếu như tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang NH số).
Theo kế hoạch, việc chuyển giao sẽ thực hiện trong năm 2024, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình.
Tương tự, ban lãnh đạo NHTMCP Quân đội (MB) cũng thông báo với cổ đông, đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ NHTM mục tiêu theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc, có thể sẽ được thực hiện trong năm nay.
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, NH mục tiêu vẫn là một NH độc lập trực thuộc MB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi NH này.
Ban lãnh đạo Vietcombank vẫn chưa chính thức công bố về danh tính nhà băng nào họ sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên trước đó, lãnh đạo CBBank từng cho biết sẽ chuyển giao bắt buộc về Vietcombank.