Cụ thể báo cáo cho biết, trong tháng 4, biến động thanh khoản ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng đã khiến NHNN phải sử dụng linh hoạt 2 công cụ trên thị trường OMO. Hoạt động mua kỳ hạn 7 ngày nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn, và mang định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Đồng thời tín phiếu kỳ hạn 28 ngày được phối hợp sử dụng với khối lượng gọi thầu trước đó dần đáo hạn. Tính đến ngày 3-5, NHNN đang duy trì trạng thái bơm ròng gần 62.000 tỷ đồng nhằm đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng mục tiêu mong muốn.
WiGroup cũng cho biết, tính đến ngày 3-5, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của NHNN. Theo thông tin từ các kênh của WiGroup, NHNN đã bán khoảng 500-700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD tính đến năm 2023).
"Tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II. Do Fed chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (QT). Việc giảm nhịp độ QT có thể được xem là một động thái nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ", báo cáo của WiGroup nêu.
Về lãi suất, WiGroup nhận định, trong tháng 4, lãi suất huy động tại các nhóm NHTM nhà nước, NHTM lớn và NHTM khác có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó. Nhưng mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp, điều này cho thấy rằng thanh khoản NHTM vẫn ở mức dồi dào.
Các chuyên gia của WiGroup cho rằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong quý II.