Từ đầu năm đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng và cả doanh nghiệp nhưng dường như kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng chưa được như mong muốn.
Các chuyên gia cho rằng, do sức cầu của nền kinh tế chưa tăng, tồn kho vẫn ở mức cao, khả năng phục hồi của các doanh nghiệp mới ở bước đầu nên tín dụng ngân hàng chưa tăng lên được...
Giảm lãi suất nhưng vẫn bí đầu ra
Không giống như những năm trước đây, cứ hết tháng hoặc hết quý là các ngân hàng rầm rộ công bố lợi nhuận, nay đã bước sang gần giữa tháng 4 nhưng các tổ chức tín dụng vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh của mình. Kể cả lãnh đạo các ngân hàng cũng từ chối bình luận khi được đề cập đến vấn đề này.
Chỉ riêng có Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết là quý I/2014, Ngân hàng này lãi trên 300 tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ lãi khoảng 900 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, các sản phẩm cho vay và dư nợ vẫn chưa được cải thiện nên luồng vốn chưa vào được cuộc sống. Có thể thấy, mặc dù tín dụng tháng Ba có tăng nhưng không đáng kể, còn tháng Một và tháng Hai đều âm.
Chủ một doanh nghiệp tư nhân lý giải, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả mới nghĩ tới việc đi vay ngân hàng, mà số này hiện nay không nhiều. "Cái mà doanh nghiệp bây giờ mong muốn không phải là lãi suất mà là cơ hội làm ăn, là đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, dù lãi suất có hạ doanh nghiệp cũng không dám nghĩ tới vay ngân hàng khi sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả," vị giám đốc doanh nghiệp nói.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt đối với doanh nghiệp hiện nay không nằm ở lãi suất thấp, quan trọng hơn cả là làm sao để sản xuất không bị đình trệ, hàng tồn kho được giải quyết…
“Nên chăng, cơ quan quản lý hãy tính đến phương án bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp trong bối cảnh này để giúp họ vượt qua khó khăn, các ngân hàng nhờ đó cũng khơi thông được dòng vốn?” ông Nguyễn Trí Hiếu nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, các. Huyên gia cũng nhấn mạnh, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết cũng làm cản trở việc khơi thống dòng vốn tín dụng.
Về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tập trung chỉ đạo vấn đề xử lý nợ xấu, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. "Dự kiến, trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu mua thêm từ 70-100 nghìn tỷ đồng nợ xấu," lãnh đạo Ngân hàng Trung ương cho hay.
Trong khi đó, một số lãnh đạo ngân hàng nhận định, năm 2014 vẫn là năm khó khăn trong tăng trưởng tín dụng, do vậy, việc tập trung cho hoạt động bán lẻ sẽ là một lựa chọn được các ngân hàng ưu ái.
Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBANK cho biết, cùng với việc luôn sẵn sàng đảm bảo về nguồn vốn cung ứng cho các doanh nghiệp, tổ chức giúp tháo gỡ khó khăn, ABBANK sẽ đẩy mạnh và tập trung triển khai các chương trình thúc đẩy huy động và tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2014.
Theo đó, lãi suất thấp cũng là một giải pháp kích thích tín dụng, do sẽ đưa tới nguồn vốn giá rẻ, giúp hỗ trợ một phần chi phí cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Hiếu chỉ ra rằng, chỉ lãi suất thấp thôi thì không thể phát huy hiệu quả tối đa nếu không có sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Bởi vậy, những gói tín dụng được phát triển theo từng phân khúc và dựa trên tính chất kinh doanh của từng nhóm khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng vừa giúp ngân hàng tối đa hiệu quả của dòng vốn tín dụng, vừa giúp quản lý rủi ro tín dụng tốt hơn.
Tiếp tục bán nợ xấu
Mặc dù tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng còn nhiều ảm đạm nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn có những điểm tích cực.
Một trong những thành công của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua được các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá cao là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Bước đầu, quá trình này đã giúp các ngân hàng đảm bảo được thanh khoản; nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được kiểm soát...
Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xử lý từ 6-7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng ngân hàng bị giải thể từ trước đến nay lên 7-10 ngân hàng.
Trước đó, trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1, chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Còn các ngân hàng khác cơ bản đã được khắc phục, tình hình tín dụng đã được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ.
Được biết, hiện đã có thêm một số tổ chức tín dụng lên tiếng sáp nhập như Sacombank sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sáp nhập vào Ngân hàng Công thương) VietinBank.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc hợp nhất, sáp nhập để giảm bớt những ngân yếu kém, làm cho những ngân hàng này trở thành những tổ chức tín dụng mạnh, lành mạnh được hệ thống ngân hàng là điều cần thiết. Qua con đường sáp nhập này sẽ giảm thiểu số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém đồng thời ngành ngân hàng cũng có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu…
"Tuy nhiên chưa thể đòi hỏi được sự ổn định và lớn mạnh của các tổ chức tín dụng này ngay được vì vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" - ông Kiêm nhấn mạnh.