(ĐTTCO)-Giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng và được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Để có được những kết quả trên, trong suốt 5 năm qua ngành ngân hàng đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, từ đó ngành ngân hàng đã tự phải trải qua quá trình nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức.
Lãi suất đã giảm 50%
Nhớ lại thời điểm 4 năm trước, thanh khoản của các ngân hàng thương mại "căng như dây đàn," các ngân hàng thương mại đua nhau tung chiêu khuyến mại, quà tặng, cộng thêm lãi suất để câu kéo khách hàng gửi tiền vào ngân hàng mình. Lãi suất cho doanh nghiệp vay vượt xa 20% và bản thân các ngân hàng có lúc vay mượn của nhau tới 30-40%. Trần lãi suất đặt ra có cũng như không vì niêm yết một đằng, ngân hàng huy động và cho vay một nẻo.
Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức 20-25%/năm xuống còn 6-11%/năm, bằng khoảng 50% mức lãi suất vào cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Đường cong lãi suất đã hình thành rõ nét với kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao, tạo điều kiện cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2014 tăng 12,6%/năm thì trong năm 2015 đã tăng 18%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.
Kỷ cương thị trường được thiếp lập và củng cố, không còn tình trạng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như mô hình cho vay liên kết, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê…
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có Chương trình kết nối Ngân hàng-doanh nghiệp được triển khai trên cả 63 tỉnh thành trong cả nước, với trên 440 hội nghị đối thoại được tổ chức.
Đối với giá vàng, thời điểm cuối năm 2011 giá vàng thế giới tăng vọt, chạm mức cao kỷ lục (1.917 USD/ounce). Thị trường trong nước cũng biến động mạnh, giá tăng-giảm với biên độ hàng triệu đồng chỉ trong một ngày và tạo độ chênh lệch lớn so với thế giới.
Sau 2 năm kiên định với các biện pháp chấn chỉnh, thị trường vàng đã ổn định, bước đầu khiến người dân chán vàng, không còn cảnh người người xếp hàng mua vàng cũng như những cơn nóng lạnh bất thường của giá vàng gây ảnh hưởng tới tỷ giá. Thị trường đã từng bước tự điều tiết, từ năm 2014 tới nay đã không còn phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng cung ứng cho thị trường.
Điểm sáng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế vĩ mô và hệ thống các tổ chức tín dụng, kể từ cuối năm 2011 đến nay, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém được triển khai quyết liệt, triệt để theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm cả việc mua lại 0 đồng đối với một số ngân hàng yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức tín dụng được khuyến khích, thúc đẩy.
Nhờ đó, đến nay, đã giảm được 19 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kiểm soát và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống. Không để đổ vỡ, khủng hoảng ngân hàng, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm. Các ngân hàng sau cơ cấu lại đã hoạt động ổn định, một số ngân hàng có phát triển bứt phá.
Tái cơ cấu, xử lý hàng loạt các ngân hàng yếu kém vốn đã gian nan, nhưng hệ thống ngân hàng cũng phải đồng thời lãnh trách nhiệm xử lý nợ xấu. Sau hơn 3 năm, cục máu đông của cả nền kinh tế đã tan dần. Nợ xấu từ mức 17,2% tổng dư nợ vào tháng 9/2012 đã giảm còn 2,72% tổng dư nợ, tức là quy mô nợ xấu "cục máu đông" đã thu nhỏ gần 6 lần.
Tại hội nghị ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ với các nhân viên của mình: “Tại kỳ họp cuối của Quốc hội không có một Đại biểu nào hỏi chúng ta là vì Quốc hội muốn dành cho hệ thống ngân hàng một phần thưởng để ghi nhận những đóng góp của ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua. Nếu chúng ta biết đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, nhất định sẽ vượt qua.”
Thống đốc cho biết thêm, điều hành hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung không thể điều hành duy ý chí, mà cần điều hành bài bản. Nếu làm tốt và kiên định sẽ giúp hệ thống ngân hàng được củng cố, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.
Vẫn còn thách thức trước mắt
Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành ngân hàng trong năm 2015. Đồng thời lưu ý những áp lực trong điều hành năm tới.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng nếu nhìn cả nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ có nhiều thuận lợi do được kế thừa từ giai đoạn trước, trong đó kinh nghiệm điều hành sẽ tự tin hơn. Tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng khá nhưng không đồng đều, chiến tranh, các quyết sách điều hành của các nước lớn sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập sức ép vô cùng lớn ở trong nước.
“Năm 2016 so với năm 2015 thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ và vĩ mô sẽ khó hơn vì nhiều áp lực. Ví dụ: lạm phát, nếu giá dầu có biến động tăng thì cũng tác động tới điều hành chính sách tiền tệ,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, điều hành tỷ giá cần tiếp tục bám sát theo thị trường, nhanh nhạy, kịp thời...
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, dư địa có thể triển khai chính sách đang càng ngày càng hạn hẹp.
Ngay như ở mục tiêu kiểm soát lạm phát, Thống đốc dự báo, ở tác động từ bên ngoài, dư địa giảm giá trong năm tới trên thị trường thế giới nếu có thì cũng rất ít và thuận lợi trong kiềm chế lạm phát từ yếu tố bên ngoài gần như không có.
Trong khi đó, theo Thống đốc, những bất ổn trên thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường tài chính, luôn rình rập như Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ đã tác động đến hoạt động chính sách tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
“Ở một chừng mực nào đó, khẳng định rằng việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 khó khăn hơn nhiều so với năm 2015 và 2014,” Thống đốc Bình nhấn mạnh.