Điều này đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu 2 ngành này phải gia tăng giá trị, thông qua giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu.
FDI chiếm thị phần xuất khẩu lớn
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết quý III-2017, ngành dệt may đã đạt gần 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Dự báo trong quý IV-2017 sẽ đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Trong đó các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng tốt.
Như vậy có thể thấy dệt may vẫn là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam.
Việc DN FDI chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dệt may, da giày là thực tế đang phải đối mặt. Điều này không có gì khó hiểu, vì chúng ta từng khuyến khích DN FDI đầu tư vào Việt Nam với những chính sách ưu đãi, và xét ở một góc độ nào đó chính sách này đã có hiệu quả. Thế nhưng, về lâu dài chúng ta cần có chiến lược nâng cao tỷ lệ của DN nội địa trong nhóm ngành xuất khẩu chính, đặc biệt là dệt may và da giày. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO |
Tương tự, ngành da giày năm nay được dự báo cũng về đích đúng hẹn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017 xuất khẩu giày dép tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, đạt trên 10,64 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất giày dép xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép cả nước, đạt trên 3,76 tỷ USD.
Thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc chiếm 7,7%, đạt gần 823,67 triệu USD. Tiếp đến là Đức 707,84 triệu USD, chiếm 6,7%; Bỉ 639,54 triệu USD… Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) dự báo năm 2017, sản xuất của ngành da giày sẽ tăng trưởng 5% so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10%.
Tuy nhiên, trong thị phần xuất khẩu ngành dệt may và da giày, khối DN FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của khối FDI trong 9 tháng năm 2017 đạt 11,6 tỷ USD, tăng nhẹ 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,5% trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Theo nhiều chuyên gia, thực trạng này đòi hỏi DN nội phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Trước đây, Nhà nước cũng có hỗ trợ cho DNVVN nhưng chủ yếu là DN nhà nước, tạo ra những sản phẩm tại thị trường nội địa, còn chính sách cho DN xuất khẩu vẫn còn ít, vì thế rất cần có sự thay đổi chính sách vĩ mô về vấn đề này.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO, ngành dệt may khoảng 9.000 DN nhưng có đến 70% là DNVVN.
Với ngành da giày, túi xách có hơn 20% là DN lớn nhưng DN FDI chiếm đa số, với giá trị xuất khẩu hơn 75%; hơn 70% DN còn lại chủ yếu là DNVVN Việt Nam, giá trị xuất khẩu cũng chỉ chiếm hơn 20%. Với thực tế như vậy, liệu các DN Việt Nam có đủ sức cạnh tranh hay cuối cùng cũng chỉ làm công? Cũng theo ông Diệp Thành Kiệt, mặc dù Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng làn sóng DN ngành dệt may của Đài Loan, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây không còn là việc đón đầu hưởng lợi từ TPP của DN ngoại, mà chọn đất lành để phát triển sản xuất.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong quý I-2017, đã có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư đăng ký mới và tăng vốn tại Bình Dương. Trong đó, những dự án tăng vốn lớn đều rơi vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dệt may, sợi… Tỉnh Tây Ninh đã được Bộ Công Thương phê duyệt nằm trong vùng phát triển ngành công nghiệp dệt may của cả nước. Vì vậy, thời gian qua tỉnh đã hình thành 2 phân khu dệt may tại các Khu công nghiệp Phước Đông, Thành Thành Công để thu hút một lượng lớn DN FDI trong lĩnh vực dệt may đến đầu tư. Tại TPHCM, Đồng Nai, Long An thời gian qua cũng là điểm đến đầu tư của DN dệt may FDI. DN nội loay hoay trong khó khăn
Bản thân các DN may mặc phải tự vươn lên trong vấn đề thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu. Hiện nay UBND TPHCM đang tiến hành xây dựng dự án trung tâm thiết kế thời trang và giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành dệt may TP theo định hướng phát triển ngành. Đây được xem là thông tin tích cực cho DN trong ngành may mặc. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM |
Nói về những khó khăn của DN dệt may Việt Nam, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng nếu xét về nội tại DN nội đối mặt 2 cái khó chính. Thứ nhất, nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu quá lớn.
Thứ hai, DN nội rất yếu về thương hiệu cũng như thiết kế thời trang do các DN vẫn chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng không cao. Để giải quyết bài toán này, cần tập trung xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực cho ngành dệt may.
Ngoài những khó khăn về nội tại, những khó khăn về chính sách cũng khiến DN ngành may mặc đang ở trong tâm trạng lo lắng. Theo đó, ngành sẽ bị cạnh tranh quyết liệt bởi chi phí về bảo hiểm, đất đai, thuế... của các quốc gia mạnh về dệt may như Myanmar, Campuchia, Bangladesh... vẫn thấp hơn so với Việt Nam. Trong khi đó, năm 2018 phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập (tức tính tất cả phụ cấp khác) sẽ khiến chi phí của DN tăng đột biến. Chi phí tăng trong khi giá đơn hàng khó tăng chính là thách thức mà DN ngành dệt may phải đối mặt.
Đó là chưa kể các nước như Campuchia hay Bangladesh được hưởng những dòng thuế xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu thấp hơn Việt Nam; chi phí nhân công ở những quốc gia này cũng thấp hơn Việt Nam đặt ra thách thức lớn về sự dịch chuyển đơn hàng. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30-45 ngày xuống còn 15 ngày, cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.
Cũng đối mặt với những khó khăn tương tự, ngành da giày trong nước đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ cho ngành dệt may, da giày tiếp tục nằm trong top 10 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong 9 tháng năm 2017. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng đạt 4,08 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng trước. Các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày cho Việt Nam gồm Trung Quốc với 1,53 tỷ USD, tăng 10,9%; Đài Loan 378 triệu USD, tăng 6,8%; Hàn Quốc 571 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước…
Tại hội thảo mới đây về triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đặt câu hỏi “Liệu dệt may Việt Nam sẽ ở đâu, có vai trò gì trong con đường tơ lụa? Và dệt may Việt Nam sẽ là thương nhân - người dẫn dắt và làm chủ con đường tơ lụa, hay chỉ là “người dắt lạc đà” - một nhân tố tạo ra rất ít giá trị trên con đường tơ lụa ấy? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các DN dệt may hiện nay”.
Thế mạnh thâm dụng lao động giá rẻ trong ngành, dệt may đang mất dần. Ảnh: P.LONG
Lao động trước áp lực 4.0
Khi nhắc đến 2 ngành công nghiệp thâm dụng lao động hiện nay là dệt may và da giày, một câu hỏi nữa cũng được đặt ra là vai trò của người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ như thế nào và làm sao để nâng cao năng suất lao động?
Một con số thời gian gần đây thường được đưa ra để nói về áp lực của cuộc CMCN 4.0 với những ngành thâm dụng lao động của Việt Nam hiện nay là nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cụ thể theo ILO, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa có 86% lao động ngành dệt may của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia bị ảnh hưởng.
Khi được hỏi CMCN 4.0 có tác động đến ngành da giày và túi xách Việt Nam hay không, ông Diệp Thành Kiệt thẳng thắn nhìn nhận, CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến ngành da giày và túi xách. Thí dụ nhờ áp dụng công nghệ nên năng suất tại DN FDI cao hơn DN Việt Nam khoảng 30%. Trong khi đó, dù DN Việt Nam quan tâm đến CMCN 4.0 nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về vốn, thông tin… để có thể triển khai ứng dụng hiệu quả trong sản xuất.
Ở góc nhìn lạc quan hơn trước làn sóng CMCN 4.0, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng các DN trong ngành dệt may hiện nay đang nỗ lực cải tiến thiết bị nhằm tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, tuy nhiên máy móc chưa thể thay thế lao động trong ngành này. Vấn đề chính là làm sao nâng cao tay nghề cho người lao động.
Trước những ý kiến về việc Việt Nam đang mất dần lợi thế về nhân công giá rẻ trong ngành may mặc so với các nước như Campuchia, Myanmar hay Bangladesh, ông Hồng cho rằng tuy những nước này giá nhân công rẻ hơn, nhưng nếu tính về tay nghề lao động Việt Nam vẫn trội hơn hẳn. Chất lượng hàng do Việt Nam sản xuất ra vì thế cũng ở mức tốt hơn nên nhiều thương hiệu vẫn tin tưởng chất lượng “made in Vietnam”.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự kiến xuất khẩu các sản phẩm dệt may có thể cán mức 50 tỷ USD vào năm 2025, tức tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay. Toàn ngành dệt may hiện đang sử dụng khoảng 3 triệu lao động, do vậy có hay không có cuộc CMCN 4.0 số lao động trong ngành dệt may ít nhất cũng phải tăng lên khoảng 50%, tức đạt 4,5 triệu lao động. Tất nhiên, dù chưa bị ảnh hưởng nhiều do đặc thù của ngành, nhưng điều đó không có nghĩa DN thiếu chuẩn bị cho cuộc cách mạng này bởi sức lan tỏa của nó rất mạnh mẽ.