Theo thống kê của BMI Research, năm 2018, quy mô thị trường ngành dược Việt Nam đạt giá trị 5,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất.
Tuy ngành Dược trong nước đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tình hình sản xuất dược phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn thông qua nhập khẩu.
Năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm của nước ta đạt 2,7 tỷ USD; tính đến 15-9, kim ngạch nhập khẩu thuốc của Việt Nam 2,1 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm khoảng 200 triệu USD.
Số liệu thống kê của Cục Quản lý dược tính đến ngày 16-5, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc).
Danh sách Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2019
Dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường IBM về độ lớn thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam. Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD/người/năm vào năm 2020.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 100% các chuyên gia nhận định ngành dược Việt Nam trong giai đoạn năm 2019-2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10-15%.
Các xu thế của ngành dược được dự báo trong thời gian tới bao gồm: Mở rộng kênh OTC – bán hàng trực tiếp qua các hiệu thuốc; Phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩm; Ứng dụng công nghệ thông tin trong mở rộng thị trường dược phẩm trực tuyến; M&A trong ngành dược sẽ tiếp tục sôi động; Phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm.
Những yếu tố ảnh hưởng đến ngành dược thời gian tới, bao gồm: chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp là nhân tố bên trong mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất (chiếm 90,91%); biến động giá nguyên liệu; các quy định chính sách quản lý về chất lượng và giá trong ngành dược…
Cũng theo Vietnam Report, có 63,64% doanh nghiệp lựa chọn việc nghiên cứu sản phẩm thuốc mới và phát triển, mở rộng kênh OTC là chiến lược trong năm 2020. Ngoài ra, cũng có tới 45,45% doanh nghiệp lựa chọn xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn, lợi nhuận cao và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thuốc và 36,36% doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên, dược liệu, máy móc và dây truyền sản xuát thuốc.