Ngành phân bón có hưởng lợi nhờ thuế?

(ĐTTCO) - Việc Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi thuế liên quan đến mặt hàng phân bón sẽ giúp doanh nghiệp (DN) nội tăng cường sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho ngành. Tuy nhiên, không phải tất cả DN đều hưởng lợi.
Chỉ hưởng lợi một số DN
Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008, phân bón là mặt hàng chịu thuế 5%. Để hỗ trợ nông dân và giảm giá bán phân bón, Chính phủ đã điều chỉnh phân bón thành mặt hàng không chịu thuế GTGT, áp dụng cho cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Hệ quả, các công ty sản xuất phân bón không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào dùng cho sản xuất phân bón, mà buộc phải đưa toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, đẩy giá bán phân thành phẩm. Nhiều nông dân đã phải chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu giá thấp hơn nhằm giảm gánh nặng chi phí. Điều này vô hình trung làm giảm tính cạnh tranh của phân bón nội địa.
Ngành phân đạm trong vài năm trở lại đây đã hứng chịu nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan khiến hàng loạt DN thua lỗ, thậm chí trên bờ vực phá sản. Từ thực tế này, mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bản dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế 71, trong đó phân bón được thay đổi từ không chịu GTGT sang chịu thuế GTGT 5%. Với chính sách thuế này, giá bán phân bón nhập khẩu sẽ kém hấp dẫn hơn trước do phải gánh thêm thuế GTGT. Trong khi đó, DN sản xuất phân bón được phép khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của máy móc, nguyên/nhiên vật liệu, dịch vụ đầu vào dùng trong sản xuất. Giá vốn giảm sẽ tạo điều kiện cho DN giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. 
Ngành phân bón có hưởng lợi nhờ thuế? ảnh 1
Trước đó, DN phân bón báo lãi 9 tháng năm 2020 tăng đột biến nhờ giá nguyên liệu đầu vào là than và khí tự nhiên giảm sâu. Đây là cơ hội cho DN phân bón giảm giá thành sản phẩm và gia tăng biên lợi do giá bán sản phẩm thường giảm ít hơn tốc độ giảm của giá đầu vào. 
Tác động không giống nhau
Tuy nhiên, theo nhận định của các CTCK, tác động lên từng DN không giống nhau do sự khác biệt về sản phẩm và loại hình kinh doanh. Theo đó, các DN sản xuất phân ure như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) được hưởng lợi nhiều nhất, do đầu vào của các DN này là khí tự nhiên hoặc than đá chịu thuế 10%. Nhóm hưởng lợi kế tiếp là các DN sản xuất phân lân đơn/DAP như CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF), CTCP Phân lân Ninh Bình (NFC) và CTCP DAP (DDV), do đầu vào của các DN này chủ yếu sử dụng quặng apatit chịu thuế 5%, bên cạnh than đá chịu thuế 10%. 
Trong khi đó, các DN sản xuất phân NPK từ phân đơn như CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Phân bón miền Nam (SFG) và các DN thương mại không hưởng lợi, do đầu vào là phân thành phẩm không chịu thuế VAT tương tự như đầu ra. Khi chính sách mới có hiệu lực, thuế áp lên cả đầu vào và đầu ra đều ở mức 5%. Riêng CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) là ngoại lệ bởi khả năng tự sản xuất phân lân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất NPK. Do vậy, LAS được dự báo là hưởng lợi từ quy định mới tương tự nhóm DN phân lân.
Ngay với giá nguyên liệu đầu vào giảm cũng chỉ mang lại ưu thế cho một số DN, đặc biệt là DCM và DPM. Đây là 2 DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất phân urê bằng khí đốt, với tỷ trọng hơn 20% đầu vào. Trong khi đó, các DN sản xuất phân lân và phân NPK như LAS, BFC và SFG được hưởng lợi gián tiếp khi mua nguyên liệu từ các công ty trên. Ngược lại, các DN sản xuất phân còn lại không được hưởng lợi, thậm chí còn bị tác động ngược khi đứng trước áp lực giảm giá để cạnh tranh khiến cho tỷ suất lợi nhuận giảm. 

Khó khăn trong dài hạn
Chính sách thuế mới được thông qua, các DN phân bón cũng chỉ hưởng lợi trong ngắn hạn. Về dài hạn, phân bón vẫn là ngành không có nhiều tiềm năng bởi các yếu tố: suy giảm diện tích gieo trồng khiến tổng cầu không gia tăng, thời tiết thất thường kéo theo nhu cầu biến động.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng diện tích trồng trọt ở Việt Nam đã đạt mức ổn định kể từ năm 2000 với 11 triệu ha, tập trung vào các giống cây trồng trọng điểm như lúa, cao su, điều, tiêu, trái cây. Cầu tiêu thụ các sản phẩm phân bón đạt 11 triệu tấn/năm, trong đó NPK được tiêu thụ nhiều nhất với tổng cộng 3,8 triệu tấn/năm, còn cầu urê ổn định 2-2,2 triệu tấn/năm. Các mặt hàng cây nông nghiệp chính đều giảm về mặt diện tích gieo trồng. Lý do bắt nguồn từ hệ quả tất yếu của đô thị hóa và công nghiệp hóa, nông dân rời xa nghề nông để chuyển dịch sang ngành nghề khác. 
Đặc biệt tình trạng cung vượt cầu làm bào mòn biên lợi nhuận của DN sản xuất trong nước. Lấy dẫn chứng từ nhu cầu phân NPK trong nước chỉ ở mức 4,3 triệu tấn/năm và không tăng trong vòng 4 năm trở lại đây. Trên thị trường NPK, các DN nội đáp ứng 92% nguồn cung (4 triệu tấn/năm) và nhập khẩu 350.000 tấn/năm. Do đó, nếu tổng nhu cầu phân bón trong nước không tăng hoặc tăng chậm tình trạng cung vượt cầu tại thị trường phân đạm sẽ hiện hữu vào khoảng năm 2022 trở đi. 
Thực tế, dù ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến trong những tháng đầu năm nhưng mặt bằng giá CP các DN phân đạm hiện nay đang ở mức khá thấp, do đã bị giảm sâu trong những năm vừa qua. Với thực tế này, nhóm ngành phân bón được khuyến cáo chỉ dành cho NĐT lướt sóng theo từng chu kỳ, do đây là ngành tăng trưởng kém và có cạnh tranh cao, nên biên lợi nhuận ngành suy giảm qua các năm. NĐT có thể mua CP ngành để hưởng cổ tức tại vùng đáy chu kỳ do ngành này là ngành lâu đời, tiền tích lũy lớn trong DN.   
 Chính sách thuế mới có thể xem là bước ngoặt trong tiến trình phát triển của ngành phân bón, tăng cường sức cạnh tranh của DN nội với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành.

Các tin khác