Giá phân Urea kỳ hạn tháng 6 trên sàn CBOT giao dịch quanh mức 322,5USD/tấn, giảm gần 64% trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, giá phân bón hiện nay vẫn đang cao hơn rất nhiều so với mức bình thường của giai đoạn trước năm 2020, khi đó giá phân DAP chỉ giao dịch quanh vùng 280USD/tấn, và phân Urea giao dịch quanh mức 210USD/tấn.
Nhìn lại giai đoạn 2021-2022
Năm ngoái phân bón duy trì ở vùng giá cao trên 700USD/tấn. Vào lúc đó, xu hướng giá đã tăng liên tục kể từ nửa sau năm 2020, do sự tác động của đa yếu tố. Chuỗi cung ứng phân bón bị ảnh hưởng lớn do các làn sóng đại dịch diễn ra ở nhiều nơi. Tiếp đến là các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tồn kho thấp và một số nguyên nhân khác. Tác động của giá phân bón cao đã làm ảnh hưởng rất lớn tới bài toán kinh tế của ngành nông nghiệp và cả người tiêu dùng trên phạm vi thế giới.
Đối với nông dân, phân bón là một trong những khoản chi phí tốn kém nhất hàng năm, và là yếu tố quyết định đến năng suất cây trồng. Sở dĩ giá phân bón tăng do các nguyên liệu thô để sản xuất ra nó như: Ammonia, Nitrogen, Phosphates, Nitrates, Sulfates, và Kali đều tăng vọt. Thời điểm đó, giá mỗi tấn phân bón khan (sản phẩm dựa trên Nitrogen) ở mức đáng kinh ngạc 1.380USD/tấn. Trong khi đó năm 2020, nông dân có thể mua 1 tấn với giá khoảng 480USD. Có thể nói, giá phân bón đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, phá vỡ mức đỉnh được thiết lập trước đại suy thoái năm 2008.
Hơn 30 quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt Nga để phản ứng với xung đột diễn ra tại Ukraine. Trong khi đó Nga là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đồng thời xuất khẩu khí đốt tự nhiên khổng lồ. Do vậy, sự việc này không chỉ trực tiếp làm ảnh hưởng tới nguồn cung phân bón ra thế giới, còn tác động đến chi phí nguyên liệu đầu vào của phân bón là khí đốt tự nhiên tăng giá.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp hơn 3 lần, ở Mỹ tăng gấp hơn 2 lần. Một số nhà máy phân bón ở châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất để đối phó với cuộc khủng hoảng nguyên liệu đầu vào. Không chỉ Nga Belarus (nhà cung cấp phân Kali lớn thứ 3 thế giới) cũng bị trừng phạt do ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.
Hiện tại, cùng với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải, chi phí nhiên liệu tăng do giá dầu tăng đã đẩy giá cước vận tải đường bộ lên cao. Từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề về chuỗi cung ứng, chẳng hạn như cuộc đình công của công nhân đường sắt và tài xế xe tải diễn ra ở Canada (quốc gia sản xuất phân Kali lớn nhất thế giới).
Nguyên nhân đình công cũng xoay quanh vấn đề chi phí nhiên liệu tăng cao và tiền lương lao động. Phản ứng chính sách từ phía Trung Quốc cũng góp phần nặng nề vào việc đẩy giá tăng. Trước làn sóng phân bón tăng giá, quốc gia này ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu phân bón vào năm 2021, kiểm soát chặt nguồn cung ứng phân bón trong nước để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Cần biết rằng, Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu hàng đầu khu vực đối với Nitrogen và Phosphorus.
Xu hướng năm 2023
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón đi ngang hoặc giảm nhẹ sau khi đã giảm khá nhiều trong năm 2022. Nguyên nhân giá phân bón giảm do các yếu tố ảnh hưởng trước đó tác động lên chuỗi cung ứng đã từng bước mất đi hoặc dịu bớt. Việc đại dịch Covid-19 không còn gây nên các đợt phong tỏa giao thông và kinh tế các quốc gia hoạt động trở lại bình thường, đã giúp giá các nguyên liệu đầu vào giảm liên tục. Chẳng hạn, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện tại chỉ còn khoảng 1/10 so với lúc đỉnh điểm diễn ra khủng hoảng nguồn cung.
Năm 2023 khá thuận lợi với các doanh nghiệp sản xuất phân bón do chi phí nguyên liệu đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vẫn có nhiều yếu tố tích cực. Các tổ chức dự báo kinh tế vẫn nhận định năm 2023 tuy không chứng kiến GDP tăng trưởng mạnh mẽ như 2022, nhưng vẫn chưa có nguy cơ rơi vào suy thoái. Theo đó, OECD dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,6% trong năm nay.
Mới đây nhất, Liên hiệp quốc đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên mức 2,3% so với con số 1,9% trong dự báo trước đó. Mặc dù vẫn còn có chút rủi ro trong ngắn hạn là vấn đề thỏa thuận trần nợ công của Mỹ vẫn chưa được thống nhất cho đến gần cuối tháng 5, tuy nhiên đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cho thấy các nhà đầu tư đánh giá đây chỉ là sự kiện mang yếu tố gây gián đoạn nhất thời.
Đối với nhu cầu tiêu thụ trực tiếp phân bón là ngành nông nghiệp, các số liệu dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đối với các mặt hàng nông sản như bắp, lúa mì, đậu nành… của Bộ Nông nghiệp Mỹ, vẫn cho thấy sự tăng trưởng tốt trong năm nay. Theo đó, mức tiêu thụ có thể quay trở lại tương đương năm 2021 - năm chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón có thể bị ảnh hưởng do xu hướng giảm giá hàng tồn kho, bởi giá phân bón vẫn đang nằm trong xu hướng giảm. Nhưng triển vọng kinh doanh trong trung hạn của ngành phân bón khá sáng sủa, khi nhu cầu đang có điều kiện để mở rộng dần, và chi phí nguyên liệu đầu vào giảm.