Theo đánh giá của giới chuyên gia, mùa cao điểm của hoạt động xây dựng thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Đây cũng là thời điểm thị trường vật liệu xây dựng phát triển sôi động nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng như sắt, thép, gạch, đặc biệt là ximăng đang ở mức rất thấp.
Thực tế trên khiến ngành ximăng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả về đầu vào lẫn đầu ra; thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng để giảm thiểu thiệt hại, đang cần “oxy” để thở.
Nguyên nhân nào khiến ngành ximăng gặp khó?
Nhìn nhận về thực tế trên, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam cho hay trong lịch sử phát triển của ngành ximăng Việt Nam, từ khi hình thành (cách đây hơn 100 năm) cho đến hiện nay, đây là thời điểm ngành này gặp nhiều khó khăn nhất.
Lý do, theo ông Long, ngành ximăng đang phải chịu 2 nguồn áp lực. Thứ nhất là áp lực đầu ra (khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước) đang kém. Thứ hai là giá đầu vào tăng, bởi giá năng lượng, than và điện tăng, từ đó đã tạo áp lực rất lớn đến hoạt động sản xuất của ngành ximăng.
“Qua tính toán lượng tiêu thụ ximăng nội địa ở nước ta từ năm 2010 đến năm 2020, chúng tôi nhận thấy lượng ximăng tiêu thụ chỉ tăng trưởng khoảng 1,6%/năm. Tức là sức hấp thụ ximăng của nền kinh tế không được như tính toán. Vì thế đã dẫn đến tình trạng ‘cung’ vượt ‘cầu’ tiêu thụ,” ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội Ximăng Việt Nam, trong năm 2023, thị trường ximăng còn chịu thêm một yếu tố bất lợi khác. Đó là thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% đồng thời việc xuất khẩu clinker không được áp dụng Luật thuế giá trị gia tăng. Điều này khiến khó chồng thêm khó.
Có chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay trong 11 tháng qua, hoạt động sản xuất ximăng sụt giảm 12%; tiêu thụ ximăng ở trong nước giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là khó khăn rất lớn đối với ngành ximăng Việt Nam hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Về nguyên nhân, theo ông Hiệp, thời gian qua thị trường bất động sản có sự cầm chừng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều dự án phải giãn tiến độ. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng trong đầu tư công cũng diễn ra chậm, nên nguồn “cầu” đối với ngành ximăng có sự sụt giảm.
Trong một báo cáo công bố mới đây, phía Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành vật liệu xây dựng cả trong và ngoài nước. Riêng với ximăng, từ đầu năm đến tháng 11/2023, cả nước tiêu thụ khoảng 72,4 triệu tấn (thấp hơn 4,35% so với cùng kỳ năm 2022); còn xuất khẩu giảm 2%.
Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ ximăng nội địa giảm 13-15%. Một số nhà máy đã phải ngừng hoạt động để giảm lượng tồn kho (hiện có 8 dây chuyền sản xuất ximăng phải ngừng hoạt động trên cả nước).
Kiến nghị giảm thuế, giảm lãi suất
Trước khó khăn trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đã lấy ý kiến các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước về loạt giải pháp gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu trước khi chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, để gỡ khó thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, nhất là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu, vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, các địa phương cần tăng cường sử dụng đường bê tông ximăng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 101 năm 2023 của Quốc hội về thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng; cũng như sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ, cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (thành phần chính trong sản phẩm xi măng).
Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng cũng đề xuất giảm thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chế biến sâu như: Xuất khẩu cấu kiện bê tông cốt thép, bê tông khí chưng áp, phụ gia khoáng cho bê tông/ximăng từ phế thải công nghiệp.
Một đoạn tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được khánh thành và đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ngoài ra, trước sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu tăng mạnh (ví dụ gạch ốp lát), Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với sản phẩm từ một số nước để áp thuế chống bán phá giá khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, tiếp cận thị trường nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam có thế mạnh như xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, ngói lợp... đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới trong sản xuất.
Chia sẻ thêm từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho hay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ximăng, thời gian tới, các địa phương trên cả nước cần quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển bền vững hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, thủy lợi; cũng như triển khai tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở, bất động sản đang gặp vướng.
“Cùng với đó, các chính sách liên quan đến thuế nên kéo dài, nhất thuế xuất khẩu clinker cần giữ ở mức 5% trong khoảng 2 năm tới,” ông Hiệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hiệp cho rằng đối với giải pháp gia cố đất bằng ximăng để làm đường giao thông, trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Ngay Việt Nam cũng đã áp dụng giải pháp này khoảng 20 năm trước khi triển khai gia cố đối với những vùng đất yếu.
“Đây là giải pháp này sử dụng vật liệu kết dính vô cơ và các dự án cụ thể cũng đã đem lại giá trị kinh tế và hiệu quả được chứng minh. Vì thế, hướng gia cố đất bằng ximăng nên được quan tâm, nhất là trong bối cảnh tại các khu vực triển khai dự án giao thông mà đang thiếu vật liệu san lấp,” ông Hiệp nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, Tiến sỹ Trần Bá Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam) cho rằng để đạt mục tiêu phát triển đường giao thông từ nay đến năm 2030, trong thời gian tới, việc áp dụng giải pháp cầu cạn với bêtông tiên tiến thay thế đất đắp là giải pháp bền vững; đặc biệt là với các vùng đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long.